Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách

Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, ngày 03/6/2022 Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề về hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019-2021 tại Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang.

Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.


Đoàn giám sát làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang.

Qua giám sát tại Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành và của địa phương; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai nhiệm vụ cho vay các chương trình tín dụng đạt hiệu quả; phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, uỷ nhiệm các cấp chỉ đạo các Tổ tiết kiệm vay vốn làm tốt công thác ủy thác, ủy nhiệm trong việc bình xét cho vay đúng đối tượng, quản lý vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ, thực hiện gửi tiết kiệm theo quy ước, tổ chức kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay đối với các hộ đảm bảo việc cho vay và sử dụng vốn vay có hiệu quả.


Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh báo cáo nội dung liên quan với Đoàn giám sát.

Giám sát tại Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang: Tính đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn hoạt động chính sách là 3.243,9 tỷ đồng của 18/18 chương trình tín dụng tại 1.733/1.733 thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm (2019- 2021) đã góp phần giúp 19.499 hộ thoát nghèo, 19.293 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm mới cho trên 60.000 lao động; xây dựng 36.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo vay làm 1.211 ngôi nhà ở; hỗ trợ 94 hộ gia đình là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang quân đội, công an khó khăn chưa có nhà ở vay vốn làm nhà ở xã hội; hỗ trợ cho 111 lượt hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn vay vốn cho học sinh sinh viên đi học... Tuy nhiên qua giám sát cho thấy một số chương trình tín dụng vẫn còn nợ quá hạn với số tiền 8,43 tỷ đồng; việc tuyên truyền về công tác tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số về cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân có nơi chưa sâu rộng...

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang: Tính đến 31/12/2021 tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng là 8.472 tỷ đồng, tăng 516 tỷ đồng so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 6,5% với 08 chương trình tín dụng; doanh số cho vay 6.171,8 tỷ đồng. Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang còn cao, 103.946 tỷ đồng của các chương trình; việc tuyên truyền về công tác tín dụng có nơi chưa sâu rộng, nguyên nhân do một số tổ trưởng Tổ vay vốn, tổ liên kết năng lực còn hạn chế.


Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai phát biểu ý kiến.

Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang. Với vai trò đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội; giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng. Với vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước chuyên kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện tốt việc huy động vốn, số vốn huy động, dư nợ cho vay tăng nhanh; đồng thời thực hiện tốt việc cho vay xã điểm tham gia chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; cho vay theo Quyết định số 30/QĐ-UBND của UBND tỉnh để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn kết hợp xây dựng hầm bể Biogas bằng vật liệu nhựa composite; Cho vay theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh: Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Kết quả hoạt động tín dụng của các ngân hàng trên đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà phát biểu ý kiến tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang.

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận nỗ lực, kết quả đạt được của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới các ngân hàng cần tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả các hoạt động tín dụng cho người dân, đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao của mỗi đơn vị. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng để có các biện pháp chỉ đạo, triển khai phù hợp. Tập trung làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, hạn chế đến mức thấp nhất nợ xấu, nợ quá hạn.

Bàn Văn Phín

Tin cùng chuyên mục