Yên Sơn giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm

Trong năm 2018, kết quả giải quyết việc làm của huyện Yên Sơn đã vượt xa so với kế hoạch đề ra. Kết quả đạt được là do các cấp, ngành của huyện đã tích cực thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Mô hình trồng chè của chị Nguyễn Thị Liên (giữa), thôn Kim Phú, xã Phú Lâm (Yên Sơn) tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 6 lao động thời vụ.

 UBND huyện đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đoàn thể tập trung tìm hiểu, rà soát thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Trong đó, tập trung triển khai nhiều giải pháp như: dạy nghề, phát triển nghề truyền thống, các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay vốn đầu tư phát triển kinh tế… Ngoài ra, huyện cũng chú trọng liên kết đào tạo, cung cấp nguồn lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; đẩy mạnh tổ chức tư vấn tuyển chọn lao động đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức thực hiện, trong năm qua, toàn huyện đã có 91/70 lao động xuất cảnh, đạt 130% kế hoạch; 1.749/1.070 lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong nước, đạt 163,5% kế hoạch. Đặc biệt, công tác giải quyết việc làm tại chỗ đạt hiệu quả cao với kết quả đạt 160,9% kế hoạch. Năm 2018, toàn huyện đã tổ chức 20 lớp dạy nghề với 636 học viên gồm các nghề: Kỹ thuật máy nông nghiệp, vận hành sửa chữa máy nông nghiệp, chế biến gỗ, chăn nuôi, thú y, trồng rau an toàn...

Kiến Thiết là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện. Trong năm qua, số hộ nghèo của xã giảm được 138 hộ, đạt 125% so với kế hoạch. Là xã tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định công tác tạo việc làm, tăng thu nhập là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo. UBND xã đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên tuyền về xuất khẩu lao động, đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước. Năm 2018, xã có 155 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, 4 lao động xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ, tạo thu nhập ổn định.

Ngoài ra, trong năm 2018, huyện còn triển khai hiệu quả nhiều dự án phát triển kinh tế. Đó là dự án trồng chè năng suất, chất lượng cao có 35 hộ tham gia, với kinh phí 340 triệu đồng tại các xã Phú Lâm, Lang Quán, Nhữ Hán, Tứ Quận, Nhữ Khê. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo được triển khai hiệu quả, trong đó 4.786 hộ nghèo đã được miễn giảm thuế đất phi nông nghiệp, 4 hộ nghèo được hỗ trợ đất sản xuất với gần 0,5 ha. 1.163 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với kinh phí trên 50,3 tỷ đồng, 1.046 hộ cận nghèo được vay vốn với kinh phí trên 43,3 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Với những nỗ lực trong công tác giải quyết việc làm, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2018, toàn huyện đã giảm được 1.948 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 16,84% giảm xuống còn 12,31%. Đây chính là tiền đề để huyện tiếp tục triển khai tốt công tác tạo việc làm và giảm nghèo trong năm 2019.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục