Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm 2021-2025 huyện Na Hang

Nhằm tổ chức thực hiện 02 lĩnh vực đột phá, 03 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Ủy ban nhân dân huyện Na Hang đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 5 năm 2021-2025 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Thống nhất, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành tập trung của Nhà nước; sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, trong đó lấy doanh nghiệp và người dân làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Na Hang. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện việc cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, đánh giá, sắp xếp hợp lý giữa ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi với quy mô sản xuất để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, quỹ đất, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát, phục tráng một số loại giống tốt của địa phương. Khai thác hợp lý nguồn lợi thuỷ sản. Mời gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu quy hoạch, tạo quỹ đất phù hợp cho phát triển cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Trung ương và của tỉnh. Chú trọng và lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các vùng, khu sản xuất nông nghiệp đặc sản gắn với thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia.


Hồ thủy điện Tuyên Quang

Phát huy tiềm năng, lợi thế Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; Hồ Thủy điện Tuyên Quang để phát triển du lịch, dịch vụ và phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Rà soát, quy hoạch, đề xuất danh mục, báo cáo tỉnh để mời gọi, thu hút nhà đầu tư có đủ năng lực, lợi thế, tiềm lực tài chính khảo sát, đầu tư các dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch. Quan tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái; duy trì và tổ chức Ngày hội văn hóa du lịch vùng cao Na Hang hằng năm để thu hút khách du lịch; khai thác tiềm năng du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, các làng văn hóa du lịch. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng hiện có, nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới, điển hình, quà tặng lưu niệm có giá trị nổi bật với các sản phẩm mang thương hiệu Du lịch Na Hang. Tập trung, lồng ghép các nguồn lực để phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng du lịch, dịch vụ. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch của huyện với việc kết nối tới các địa điểm du lịch của tỉnh và các địa phương; phát triển văn hóa với du lịch nông thôn, du lịch sinh thái rừng; chương trình kết nối các miền di sản do Trung ương và các tỉnh tổ chức. Tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sử dụng mạng xã hội, hệ thống truyền thông đa phương tiện nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch cả về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động ngành du lịch. Đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, phát triển thương mại điện tử, cửa hàng tiện ích, điểm dừng, nghỉ cho khách du lịch, gắn với các dịch vụ của ngành tài chính, ngân hành, bảo hiểm.... Quan tâm đầu tư, phát triển, nâng cấp các chợ nông thôn truyền.

Xây dựng và phát triển thị trấn Na Hang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025; từng bước xây dựng xã Yên Hoa, xã Đà Vị theo tiêu chí đô thị loại V. Phát huy nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông, đô thị, viễn thông, công nghệ thông tin,... Ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ mới vào điều hành, quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị. Thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi hợp lý cơ cấu sử dụng đất gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển các ngành kinh tế trên cơ sở tương ứng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phối hợp với các đơn vị của tỉnh phát triển hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, các trục vành đai thị trấn Na Hang, các trục kết nối hệ thống giao thông liên tỉnh với các tỉnh lân cận và liên vùng gắn với các khu, điểm du lịch của huyện và của tỉnh.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm. Kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án được duyệt. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với cải thiện nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp huyện (DCI). Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, mức độ 4) và việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Nâng cao hiệu quả quản lý tài sản và các nguồn lực của Nhà nước; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trong đó ưu tiêu cho các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đảm bảo an sinh xã hội.

Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, gia tăng vòng quay của vốn, thanh khoản cho nền kinh tế; khuyến khích, thúc đẩy phát triển hệ thống phượng tiện vận tải, kho bãi để tăng cường lưu chuyển hàng hóa, lưu thông tiền tệ; phát triển hợp lý công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng bến thủy nội địa, bến xe, bãi đỗ xe, phương tiện vận tải công cộng…. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất; hoàn thành việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế riêng có của huyện để nâng cao năng suất, chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm hướng tới đủ điều kiện xuất khẩu. Khuyến khích phát triển và hình thành khu, điểm chế tác, sản xuất quà lưu niệm mang tính đặc trưng phục vụ cho khách du lịch khi đến với địa phương. Lựa chọn, phát triển hợp lý công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ưu tiên công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, có sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Thực hiện tốt công tác tài chính, tín dụng, khai thác tốt nguồn thu hiện có và thực hiện các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, rà soát, tìm kiếm các nguồn thu mới để tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Quản lý và điều hành chi ngân sách nhà nước theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành các cấp ngân sách, đơn vị dự toán. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản Nhà nước. Tiếp tục cơ cấu thu - chi ngân sách theo hướng từng bước giảm chi thường xuyên, tiết kiệm nguồn kinh phí để thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm và đầu tư kết cấu hạ tầng Đẩy mạnh cung ứng, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường. Huy động vốn và tăng trưởng tín dụng hợp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách; công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, nước và tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất; quy hoạch quỹ đất phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường, duy trì tỷ lệ che phủ rừng hợp lý. Phát huy các giá trị của rừng nguyên sinh gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, trang bị kiến thức, rèn kỹ năng sống cho học sinh. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó đặc biệt coi trọng phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp nhà giáo. Huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đồ dùng trang thiết bị đảm bảo cho việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, duy trì phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo các tiêu chí, lộ trình thực hiện. Triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền để huy động trẻ mầm non ra lớp. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và cho xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực.

Chú trọng và xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Duy trì và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống. Bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh phát triển phong trào thể thao quần chúng và thể thao trong trường học. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư theo hình thức xã hội hóa vào lĩnh vực thể dục, thể thao. Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Quan tâm công tác lao động, việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng cán bộ công chức, viên chức. Phối hợp và thực hiện tốt công tác đối ngoại của địa phương. Thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương./.

Vy Phạm

Tin cùng chuyên mục