Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Thị Kim Dung dự và chỉ đạo kỳ họp thứ sáu Hội đồng nhân dân thành phố Tuyên Quang

Sáng ngày 30/6/2023 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Tuyên Quang khóa XXII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc trọng thể kỳ họp thứ sáu. Dự và chỉ đạo kỳ họp có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Video không hợp lệ

 Dự kỳ họp có đồng chí Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Uỷ viên BCH Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ thành phố, các vị đại biểu HĐND thành phố; đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của thành phố và các xã, phường trên địa bàn thành phố; các cơ quan báo chí, truyền hình tỉnh và thành phố đến dự và đưa tin về kỳ họp.


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung và các đại biểu dự kỳ họp.

Tại kỳ họp, HĐND thành phố đã xem xét các báo cáo của UBND thành phố về: Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023; kết quả ước thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2023; thực hiện kết luận giám sát chuyên đề kết quả thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các công trình, dự án do thành phố làm chủ đầu tư (từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/8/2022); kết quả thực hiện Kết luận số 01/KL-HĐND của Thường trực HĐND thành phố về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá; tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa thành phố và các Tổ quản lý di tích. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND; Báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố khóa XXII, nhiệm kỳ 2021-2026. Thông báo của Uỷ ban MTTQ thành phố về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023.

Qua các báo cáo trình tại kỳ họp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng, hiệu quả của HĐND thành phố trong việc phối hợp với UBND thành phố, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng khá so cùng kỳ năm 2022; 11/12 chỉ tiêu chủ yếu về phát triến kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố đảm bảo kế hoạch được giao, tăng so với cùng kỳ năm 2022. Nổi bật là: Giá trị sản xuất công nghiệp 5.365,4/10.312,4 tỷ đồng, đạt 52,0% kế hoạch (tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội 13.975,4/24.956 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch (tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022). Doanh thu về hoạt động du lịch 818,5/1.083 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch (tăng 88% so với cùng kỳ năm 2022). Giá trị hàng hoá xuất khẩu 60,8/117 triệu USD, đạt 52% kế hoạch (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022). Sản lượng lương thực vụ Xuân 10.163,2 tấn, đạt 100,33% kế hoạch. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao phục hồi nhanh sau dịch bệnh COVID-19. Giáo dục và đào tạo phát triển, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp thành phố; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được chú trọng, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tiến độ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án khởi công mới năm 2023 và thi công xây dựng các công trình, dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đề ra. Số thu ngân sách trên địa bàn đạt tỷ lệ thấp so với dự toán giao và so với cùng kỳ năm trước; một số khoản thu ước đạt thấp so với dự toán. Công tác quản lý đất đai, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị ở một số xã, phường chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác giải quyết đơn thư, kiến nghị của công dân có việc chưa dứt điểm.


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thông tin một số kết quả nổi bật của tỉnh đạt trong 6 tháng đầu năm 2023: Kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 7,55%, đứng thứ 02/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, 1/11 tỉnh miền núi phía Bắc, 13/63 tỉnh, thành phố. Sản xuất nông nghiệp ổn định, duy trì đúng khung thời vụ; giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Các công trình dự án quan trọng của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ. Toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP, đứng thứ 4/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Tuyên Quang là tỉnh thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoạt động về chuyển đổi số, cải cách hành chính, xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Môi trường đầu tư được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh được nâng lên; huy động, tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Tổ chức Chương trình khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và trao “Giải thưởng phong cảnh thành phố Châu Á” năm 2022 cho “Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng” và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II... Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục quan tâm, phát triển toàn diện; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Quốc phòng được bảo đảm, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được tăng cường tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với trách nhiệm người đứng đầu tiếp tục được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Đối với hoạt động của HĐND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức 02 kỳ họp chuyên đề, ban hành 17 nghị quyết; tổ chức 02 phiên giải trình; đổi mới trong hoạt động giám sát, thực hiện việc giám sát kiến nghị của cử tri báo cáo tại phiên họp hằng tháng của Thường trực; đồng hành cùng UBND tỉnh và các ngành trong qua trình chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả thành phố đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 và qua hai năm rưỡi thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp với những bước phát triển nổi bật, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng phục hồi và duy trì ổn định. Hạ tầng đô thị tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đồng bộ với nhiều công trình trọng điểm, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại; hoạt động của HĐND thành phố có nhiều đổi mới, lựa chọn các nội dung giám sát thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên thành phố cũng cần phải xem xét, có các giải pháp khẩn trương khắc phục những hạn chế, như: Kinh tế thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chưa cao. Tiến độ thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm. Hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng phục vụ cho phát triển dịch vụ, du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, đô thị chưa đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; sản phẩm có thương hiệu còn ít. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến độ triển khai các giải pháp xây dựng thành phố Tuyên Quang theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh còn chậm. Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của thành phố năm 2022 đạt thấp 40,64/100 điểm, xếp thứ 6 trên 7 huyện, thành phố. Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp có lúc chưa kịp thời, nhất là lĩnh vực đất đai.


Quang cảnh kỳ họp thứ sáu Hội đồng nhân dân thành phố Tuyên Quang.

Trước yêu cầu mới của sự phát triển và mục tiêu nhiệm vụ đặt ra cho thành phố trong những năm tới, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị mỗi đại biểu HĐND thành phố, nhất là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần suy nghĩ thấu đáo để có giải pháp sớm khắc phục các hạn chế nêu trên. HĐND thành phố cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng; bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật trong việc chuẩn bị các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát chuyên đề, giải trình, tiếp xúc cử tri; bảo đảm các điều kiện hoạt động của đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật, nhất là công nghệ thông tin và tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND. Tổ chức thực hiện tốt hoạt động giám sát; lựa chọn đúng, trúng các vấn đề nóng, vấn đề khó liên quan trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của UBND thành phố, các cơ quan đơn vị của thành phố để chất vấn tại kỳ họp HĐND, chất vấn và giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 594/NQ- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và Đại biểu HĐND; lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu theo đúng quy định, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, giới, ngành, tăng thời gian, số lượng tiếp xúc cử tri, mở rộng tiếp xúc cử tri đến từng thôn, tổ dân phố; đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp của Thường trực HĐND thành phố, giải quyết kịp thời có hiệu quả các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, điều hành của UBND thành phố thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND thành phố, Tổ đại biểu HĐND thành phố. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của HĐND; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ các kỳ họp HĐND, của Thường trực HĐND và các Ban HĐND thành phố, góp phần xây dựng thành phố Tuyên Quang xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh, luôn là đơn vị đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào đổi mới sáng tạo./

Hương Lan
Ảnh: Thu Hương
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục