Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý: Đồng hành, trách nhiệm, tích cực, kịp thời chuyển tải tâm nguyện của cử tri, Nhân dân đến Quốc hội

“Phát huy ý chí, vai trò đại biểu Quốc hội tỉnh qua các thời kỳ, các thành viên Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Tuyên Quang luôn xác định một tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, nỗ lực… đồng hành với cử tri, Nhân dân, kịp thời phản ánh những tâm nguyện tới Quốc hội…’’ là một trong những chia sẻ đầy tâm huyết của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý trước Tết Nguyên đán 2023.


Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV. 

“Phát huy ý chí, vai trò đại biểu Quốc hội tỉnh qua các thời kỳ, các thành viên Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Tuyên Quang luôn xác định một tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, nỗ lực… đồng hành với cử tri, Nhân dân, kịp thời phản ánh những tâm nguyện tới Quốc hội…’’ là một trong những chia sẻ đầy tâm huyết của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý trước thềm Năm mới.

Nhân dịp Tết Nguyên đán 2023, đồng chí Ma Thị Thuý, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý đã có một vài chia sẻ với Cổng TTĐT Quốc hội.


Đồng chí Ma Thị Thuý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Phóng viên: Thưa Đại biểu, năm 2023, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội Giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, xin đại biểu cho biết tâm tư, nguyện vọng và sự quan tâm của Nhân dân đối với chuyên đề giám sát này như thế nào?

Đồng chí Ma Thị Thuý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Cử tri và Nhân dân rất quan tâm, đánh giá cao ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng nỗ lực, bước đầu chuẩn bị các điều kiện như ban hành nhiều văn bản Hướng dẫn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.


Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chụp ảnh cùng với các cử tri huyện Lâm Bình.

Song nhiều ý kiến cử tri cho rằng, hiện nay thực hiện cải cách, đổi mới giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, ví dụ như việc các môn học riêng biệt trước đây nay được tích hợp thành môn khoa học tự nhiên, môn khoa học xã hội, môn nghệ thuật, trong mỗi môn lại có nhiều phân môn dẫn đến bố trí giáo viên giảng dạy môn học rất khó khăn và thiếu sự thống nhất. Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trong toàn quốc tạo nên sự cạnh tranh thương mại giữa các nhà sách, sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận với kiến thức, trong khi đó giá các bộ sách tăng cao cũng ảnh hưởng đến một bộ phận nhân dân ở vùng miền núi kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo.

Cử tri mong muốn qua giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các Đoàn ĐBQH các tỉnh thấy rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan đồng thời kiến nghị những giải pháp căn cơ để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trong thời gian tới.

Phóng viên: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề, khẳng định: “Đoàn giám sát không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Qua cuộc giám sát, sản phẩm, tổng thể cuối cùng là giải trình, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới…”. Qua hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng như với vai trò đại biểu dân cử, Đại biểu cho biết sự cần thiết và tầm quan trọng của chuyên đề giám sát này; những vướng mắc từ thực tế tại địa phương?

Đồng chí Ma Thị Thuý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang:  Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi và có ý nghĩa, tầm quan trọng trong đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta. Tuy nhiên quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều điểm chưa phù hợp như: về nội dung chương trình, về cơ chế chính sách hỗ trợ, về sự chuẩn bị các điều kiện như đội ngũ nhà giáo, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về sách giáo khoa, về thực hiện quy trình thủ tục trong thẩm định giá, cung cấp thiết bị, đồ dùng dạy học…


Thực hiện giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Chiêm Hoá.

Việc giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là hết sức cần thiết, nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khẳng định những việc ngành giáo dục đã triển khai thực hiện được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điểm cần khắc phục để sớm tháo gỡ hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, qua giám sát, cũng giúp Quốc hội rà soát các Nghị quyết đã ban hành để xem xét điều chỉnh bổ sung chính sách nếu cần thiết hoặc ban hành các cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Qua giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã cho thấy một số khó khăn, vướng mắc như Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu của Bộ giáo dục;  trường lớp học chưa đáp ứng được các điều kiện phục vụ dạy học theo chương trình mới; còn thiếu phòng học bộ môn, các phòng học đa chức năng, khối phòng học hỗ trợ học tập và công trình phụ trợ.

Về sách giáo khoa giáo dục phổ thông của cấp Tiểu học một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu sách giáo khoa trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các bộ sách giáo khoa khác nhau. Ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng trong một số SGK chưa được chọn lọc, tinh giản. một số bộ sách bố trí chưa hợp lý kiến thức trong chương trình giảng dạy. Sách giáo khoa phát hành các năm sau của cấp tiểu học theo chương trình mới có một số nội dung được điều chỉnh, nhưng không có đính chính...

Giá sách giáo khoa hiện nay cao so với thu nhập thực tế của một số hộ gia đình khó khăn, nhất là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Việc mỗi trường chọn một bộ sách khác nhau sẽ có khó khăn trong việc dự giờ, thăm lớp, khi học sinh chuyển trường phải mua sách giáo khoa mới nếu trường mới lựa chọn bộ sách khác trường cũ, hầu hết các trường chưa có bản in về tài liệu giáo dục địa phương…

Đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu, chủ yếu thiếu một số bộ môn Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, môn nghệ thuật cấp THPT. Công tác tuyển dụng, thu hút giáo viên gặp khó khăn nhất là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học; tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đạt so với định mức của Bộ giáo dục quy định; công tác đào tạo giáo viên dạy các bộ môn tích hợp chưa được chuẩn bị kỹ, gây khó khăn cho giáo viên trong việc giảng dạy.

Một số bộ môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật yêu cầu trình độ đào tạo của giáo viên phải từ đại học chưa thật sự phù hợp, không có nguồn tuyển; công tác tập huấn bồi dưỡng đối với giáo viên về thực hiện chương trình SGK chưa kịp thời; việc tổ chức bồi dưỡng diễn ra trong thời gian năm học ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, gây nhiều khó khăn cho giáo viên.

Một số nơi còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu giáo viên các môn học, thừa thiếu giáo viên giữa các cấp học, giữa các trường, do đó giáo viên phải dạy vượt định mức, dạy chéo môn.

Phóng viên: Thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới cả về tư duy và cách thức tiến hành. Với tinh thần này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những đổi mới gì trong hoạt động giám sát, thưa Đại biểu?

Đồng chí Ma Thị Thuý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội. Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ Quốc hội giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Thực hiện quyền Hiến định này, thời gian qua hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân".

Đối với hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, thời gian vừa qua cũng có nhiều đổi mới về cách thức, phương pháp tiến hành; công tác chuẩn bị giám sát được tiến hành kỹ lưỡng từ sớm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân công thành viên đoàn giám sát tích cực nghiên cứu, tham gia xây dựng kế hoạch và đề cương báo cáo chi tiết dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung, địa bàn giám sát, thành phần đoàn giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã mời các chuyên gia, Thanh tra tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, lãnh đạo các cơ quan có chức năng giám sát tương đồng như Uỷ ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị tỉnh, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh tham gia Đoàn giám sát.

Quá trình tổ chức các hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh tập trung giành nhiều thời gian đi cơ sở để trực tiếp lắng nghe phản ánh của Nhân dân, cử tri, của đơn vị về nội dung giám sát, qua đó đã phát hiện được những hạn chế, khó khăn, thực tế triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật tại cơ sở, đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân, hạn chế, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung kịp thời những bất cập trong các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính...


Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang họp triển khai nội dung giám sát tháng 12/2022.

Chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp và có hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội và đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát huy tối đa, trước mỗi kỳ họp, Đoàn đã đề xuất nội dung chất vấn và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình chất vấn tại các kỳ họp; đại biểu Quốc hội trong đoàn cũng đã tích cực, thực hiện quyền chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao hoạt động giám sát của Đoàn.

Phóng viên: Nhìn lại năm 2022, Đại biểu đánh giá như thế nào về hoạt động của Quốc hội trong năm vừa qua, trên phương diện lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước? Theo Đại biểu, dấu ẩn nổi bật của Quốc hội trong năm qua là gì?

Đồng chí Ma Thị Thuý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt các chức năng cơ bản về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về hoạt động lập pháp: Trên cơ sở Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xây dựng và trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến các dự án luật, nghị quyết, với phương châm xây dựng luật không chạy theo số lượng, nếu chưa đảm bảo chất lượng, còn nhiều ý kiến khác nhau thì kiên quyết chưa thông qua.


Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Với tinh thần đó năm 2022 Quốc hội đã thông qua 12 dự án luật, 33 nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật góp phần không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế để đưa đất nước phát triển.

Về hoạt động giám sát: Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung lựa chọn kỹ lưỡng các vấn đề còn nhiều khó khăn, vướng mắc, gây bức xúc trong nhân dân cần tập trung tháo gỡ là công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện Luật quy hoạch; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…; các hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tăng cường, chú trọng chất lượng giám sát.

Bên cạnh đó hoạt động chất vấn Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao đã được đẩy mạnh; những kiến nghị của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội qua giám sát, chất vấn đã được các cơ quan chức năng tiếp thu và có giải pháp thiết thực giải quyết, hiệu quả. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là trúng và đúng, mang tính thời sự, được cử tri, Nhân dân cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm


Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã đồng ý kéo dài một số chính sách trong Nghị quyết 30/2021/QH15.

Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Trước tình hình đó, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng, trong đó đã quyết sách kịp thời, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.

Trong các kỳ họp thứ 3, thứ 4 Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm quốc gia như đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và một số tuyến đường cao tốc phía Nam…các quyết định kịp thời, quan trọng về chính sách tài khoá, tiền tệ, về đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động đã góp phần đẩy lùi, kiểm soát được đại dịch COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước ta trong năm 2022, với điểm nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; GDP tăng trên 8% vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; xuất nhập khẩu của cả nước lần đầu tiên đạt trên 700 tỷ USD.

Đây là thành tựu chung của cả nước và cũng là dấu ấn đậm nét, với những đóng góp to lớn với những quyết sách mang tính quyết định của Quốc hội trong năm 2022.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, Đại biểu có gửi gắm điều gì đến cử tri, Nhân dân cả nước nói chung, của tỉnh Tuyên Quang nói riêng nhân dịp năm mới?

Đồng chí Ma Thị Thuý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Là đại biểu dân cử, cá nhân tôi luôn ý thức, trách nhiệm nhiệm phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cử tri đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết, theo dõi giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri của các ngành, luôn đeo bám đến cùng việc trả lời đơn thư của công dân do các cơ quan chức năng chuyển đến. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Đại biểu dân cử trong việc tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chủ động tổ chức các hội nghị hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật gắn với tiếp xúc cử tri chuyên đề; tích cực giám sát thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật tại cơ sở nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết kịp thời.


Đồng chí Ma Thị Thuý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Bước sang năm mới 2023, mong cử tri và Nhân dân tiếp tục quan tâm đến hoạt động của Quốc hội và phản ánh với đại biểu và các cơ quan dân cử để góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại cơ sở.

Nhân dịp năm mới 2023, xin kính chúc toàn thể cử tri và Nhân dân năm mới bình an, sức khoẻ, thành công và hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu! Nhân dịp Năm mới, kính chúc Đại biểu cùng các thành viên Đoàn ĐBQH một năm đầy Sức khoẻ, vượt qua mọi khó khăn, để kịp thời đưa những tâm nguyện của cử tri, của người dân đến với Quốc hội, Chính phủ…!

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục