Hội thảo cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các dự án luật

Sáng ngày 10-3, Công an tỉnh tổ chức Hội thảo cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Công an tỉnh đến điểm cầu Công an các huyện, thành phố.
Video không hợp lệ

Dự hội thảo tại điểm cầu Công an tỉnh có lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các đơn vị thuộc Công an tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố dự tại điểm cầu Công an huyện, thành phố. Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và Đại tá Đỗ Tiến Thuỳ, Phó Giám đốc Công an tỉnh tham dự và đồng chủ trì hội thảo.


Các đại biểu dự hội thảo.

Tại Hội thảo, đại biểu đã được cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng dự án Luật Lực lượng tham giao bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự luật đã được góp ý tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV; hiện nay đang được tiếp thu chỉnh sửa gồm có 05 Chương và 31 Điều. Luật này xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; Kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; Sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở… Thực chất, dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã dược thành lập, hoạt động hiện nay theo quy định của pháp luật thành một lực lượng thống nhất mà không phải là thành lập lực lượng mới. Với việc điều chỉnh theo hướng thay thế quy định của pháp luật hiện hành là thành lập ban bảo vệ dân phố, tổ bảo vệ dân phố và kiện toàn lực lượng Công an xã bán chuyên trách; không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước.

Đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ:  Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật được ban hành đã tạo ra cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần phát triển nền kinh tế- xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực, cụ thể là cần tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Việc xây dựng và ban hành 2 luật sẽ thể chế hoá đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý rõ, cụ thể, đủ mạnh về cơ chế, chính sách trong đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và các chính sách, biện pháp trong phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, kỷ cương, an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 2 lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới; Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lĩnh vực được phân công; Phù hợp với quy luật phát triển và kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới; Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được tiếp thu, hoàn chỉnh gồm 08 Chương, 63 Điều với nhiều quy định mới so với Luật năm 2008, đồng thời cũng có nhiều điểm mới so với dự Luật trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.


Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu.

Phát biểu tại hội thảo đồng chí Ma Thị Thuý, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự chủ động của Bộ Công an trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra đầy đủ các cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng 2 dự án Luật. Đồng chí cũng đưa ra những nội dung đại biểu thảo luận còn băn khoăn, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật và đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận, phân tích kỹ lưỡng đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn để chứng minh có sức thuyết phục hơn khi trình ra Quốc hội sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ sự cần thiết, vai trò, tầm quan trọng của việc ban hành Luật; đồng thời bổ sung các luận cứ, quan điểm về mặt lý luận, pháp lý và những vấn đề trọng tâm cần quan tâm, chú ý, phương hướng xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, đại tá Đỗ Tiến Thuỳ, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến góp ý của đại biểu.Trên cơ sở ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Công an tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Công an để bổ sung, hoàn thiện những vấn đề có liên quan trong hồ sơ xây dựng 2 dự án luật./.

Tin: Phòng Công tác Quốc hội
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục