Các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở ngành: Tư pháp, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; lãnh đạo và đại diện các phòng, ban chuyên môn thuộc Công ty Điện lực tỉnh.
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà phát biểu.
Luật Điện lực được Quốc hội thông qua năm 2004 sau 04 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2012, 2018, 2022, 2023) đã làm cơ sở pháp lý cho phát triển ngành điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của đất nước và Nhân dân; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau gần 20 năm triển khai thi hành đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu thế, thực tiễn như: Các văn bản pháp luật liên quan đến cung ứng điện còn nhiều bất cập, mâu thuẫn; quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong thực hiện đầu tư, quy hoạch dự án điện chưa hiệu quả, thủ tục triển khai dự án phức tạp; chưa có chính sách phát triển đầy đủ điện hạt nhân, phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới,… Bên cạnh đó phát sinh nhiều nội dung chưa rõ ràng, còn nhiều vướng mắc mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 09 Chương, 130 Điều, giảm 01 chương và tăng 60 điều (bổ sung 68 điều, bỏ 04 điều, gộp 04 điều) so với với Luật Điện lực hiện hành với những nội dung chủ yếu: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường…
Đại diện Sở Công Thương phát biểu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết việc ban hành dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và tham gia góp ý vào một số vấn đề cụ thể như: Xem xét bổ sung quy định về quản lý quy họach, phát triển trạm sạc xe điện; có cơ chế để phát triển nhà máy điện rác; xác định cụ thể thẩm quyền lập và phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ thủy điện; xem xét bổ sung các nội dung nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về công nghệ lưu trữ năng lượng, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; quy định rõ hơn các khái niệm liên quan đến kinh tế - kỹ thuật; xem xét tính khả thi về quy định hỗ trợ đầu tư dây dẫn điện sau công tơ điện đến bảng điện của hộ gia đình;….
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham gia. Các ý kiến tham gia, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ để tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực điện trên địa bàn, qua đó sớm phát hiện các vướng mắc, tồn tại, hạn chế để có kiến nghị kịp thời./.