Nội dung thảo luận tại tổ gồm: Dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Các đại biểu dự họp phiên họp tổ.
Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều, so với dự thảo luật cũ đã bổ sung thêm một số nội dung quan trọng như: Đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ; việc mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đối với các dự án đường cao tốc; phân định tốc độ thiết kế đường; vị trí lắp đặt biển quảng cáo; về hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương;...Dự thảo luật này cũng đã chuyển 03 chương (quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ) sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật gồm 09 chương, 81 điều, đã bổ sung thêm giải thích từ ngữ, bổ sung một số nguyên tắc, chính sách về trật tự, an toàn giao thông, hành vi bị nghiêm cấm, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm tính bao quát, sát thực tiễn.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đây là nghị quyết nhằm luật hoá việc thực hiện thuế Tối thiểu toàn cầu, bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam ngày càng gia tăng. Dự kiến, việc thực hiện thuế sẽ bắt đầu từ kỳ tính thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Thảo luận tại tổ, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành đối với 03 dự thảo văn bản nêu trên; trong đó tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là phù hợp vì đối tượng điều chỉnh của 02 luật là cơ bản khác biệt; các dự thảo phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ; đảm bảo an toàn trật tự giao thông đường bộ…Các đại biểu đề nghị rà soát kỹ Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đảm bảo không chồng chéo về đối tượng điều chỉnh, nội dung quản lý; quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phân cấp cho địa phương tổ chức giao thông trên các đoạn Quốc lộ chạy qua đô thị; bổ sung quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đối với bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ…
Đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại phiên họp tổ.
Tham gia thảo luận, đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa lại quy định về quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; quy định chặt chẽ việc sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ; quy định lắp đặt biển quảng cáo cho phù hợp với thực tế; lắp các biển báo thuận tiện cho người tham gia giao thông, nhất là người khiếm thị, khiếm thính; nghiên cứu tiêu chuẩn bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ cho người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ em…; bổ sung quy định trạm dừng nghỉ phải có chỗ nạp nhiên liệu (xăng, điện) cho phương tiện giao thông.
Đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ sở dữ liệu đường bộ cần quy định tích hợp liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia; quy định về lắp đặt biển quảng cáo phải phù hợp trong khu vực đô thị và tương thích phù hợp với luật xây dựng, luật quảng cáo, hạn chế thủ tục cấp phép trong việc lắp đặt biển quảng cáo; đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa quy định đầu tư xây dựng đường từ bốn làn xe trở lên phải xây dựng đường bên để phục vụ việc đi lại của người, phương tiện giao thông ở khu dân cư ven đường….quy định như trên sẽ phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện và thiếu tính khả khi vì việc xây dựng đường bên phụ thuộc vào quy hoạch, kinh phí./.