Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì và điều hành thảo luận.
Quang cảnh phiên họp thảo luận tại tổ. |
Đại biểu Quốc hội tại tổ thảo luận số 9 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nam, Quãng Ngãi, Bình Định đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh; quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện...
Đối với Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu thống nhất việc sửa đổi Luật Dầu khí nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) phát biểu thảo luận vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện; góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số...; thống nhất đánh giá về hồ sơ dự án Luật và phạm vi dự án phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của Luật với các quy định có liên quan đến tần số vô tuyến điện tại các Luật khác để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp; đề nghị phải có sự quản lý về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị phải có quy hoạch rõ ràng về tần số vô tuyến điện, trong đó phân định rõ phần nào giao cho phát triển kinh tế-Quốc phòng an ninh-Viễn thông-phát thanh truyền hình...để quản lý tài sản quốc gia được tốt hơn./.