HĐND các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc: Đổi mới toàn diện, đột phá có trọng tâm

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang, Trang thông tiên điện tử HĐND tỉnh trân trọng giới thiệu một số nét đổi mới mang tính đột phá của HĐND các tỉnh.

HĐND tỉnh Bắc Giang coi trọng giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri: Từ khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 có hiệu lực  đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 5 cuộc giám sát đối với UBND tỉnh về giải quyết kiến nghị của cử tri. Những kỳ họp gần đây, 100% kiến nghị của cử tri đều được xem xét, giải quyết, trả lời; phân loại rõ theo lĩnh vực; theo thẩm quyền, thời gian, cấp độ giải quyết. Với những kiến nghị đang và sẽ được giải quyết đều ghi rõ lộ trình, thời gian thực hiện, hoàn thành. Qua giám sát cho thấy, số lượng các kiến nghị giải quyết xong kỳ sau cao hơn kỳ trước. 

Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đều được thông báo đến cử tri trực tiếp tại các phiên tiếp xúc, thông báo đến người có kiến nghị, cơ quan, đơn vị chuyển kiến nghị; công khai trên truyền thông. Khảo sát của các Tổ đại biểu và các Ban của HĐND tỉnh cho thấy, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri cơ bản đáp ứng yêu cầu, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đều có phản hồi tích cực. Trong giám sát của Thường trực HĐND tỉnh luôn đề cao yêu cầu giải quyết đến cùng các kiến nghị của cử tri; theo đến cùng kể cả các kiến nghị thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tạo thêm cơ sở vững chắc, hiệu quả trong giải quyết kiến nghị cử tri. 


Toàn cảnh phiên họp tháng 3 năm 2019 của Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang.

HĐND tỉnh Bắc Kạn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp: Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất Đảng đoàn HĐND tỉnh xây dựng Đề án và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”.

Trong năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Đề án tại HĐND các xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện Đề án của Đảng đoàn HĐND tỉnh về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động của HĐND các cấp. Thường trực HĐND các cấp đã tập trung chỉ đạo điều hòa, phối hợp với các Ban HĐND, UBND, UBMTTQVN và các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt các nội dung của kỳ họp; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động giám sát, khảo sát đi vào trọng tâm, trọng điểm và có chất lượng. Công tác tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân được thực hiện nền nếp. Nhiều đại biểu HĐND đã tích cực tham gia các hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri. Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế để có những kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện tốt hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh Cao Bằng đột phá trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri: Những năm qua, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh Bắc Cạn tích cực triển khai các hoạt động giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri gửi gắm. 

Đảng Đoàn HĐND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12- KH/ĐU, ngày 14-8-2017 về thực hiện nội dung đột phá với chủ đề “Nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri”. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, phân loại và chuyển 249 kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết. UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tiếp thu, trả lời và giải quyết 152/249 ý kiến, kiến nghị cử tri (chiếm 61%), đã giải quyết một phần và đang tiếp tục giải quyết 52/249 ý kiến, kiến nghị (chiếm 21%), chưa giải quyết 45/249 ý kiến, kiến nghị cử tri (chiếm 18%). Công tác đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân cũng được thực hiện quyết liệt. Tỉ lệ giải quyết đơn đạt khá cao, tiếp nhận được 3.307 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Khiếu nại thuộc thẩm quyền đã xem xét giải quyết 465 đơn, đạt 83%; tố cáo thuộc thẩm quyền đã xem xét giải quyết 101 đơn, đạt 78%.

HĐND tỉnh Điện Biên nâng cao chất lượng giám sát: Trong những năm qua, hoạt động của HĐND, các cơ quan của HĐND tỉnh luôn đổi mới, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên, nhất là trong hoạt động giám sát. 

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức  50 cuộc giám sát, (24 cuộc giám sát chuyên đề, 26 cuộc giám sát thường xuyên) tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc của nhân dân, việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, của HĐND tỉnh… qua đó đánh giá kết quả thực hiện của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Thông qua các cuộc giám sát, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND đã kiến nghị 239 nội dung với các Bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện. Các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh đã được UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu, giải quyết và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện đúng quy định, đạt tỷ lệ trên 80%...

HĐND tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết sát thực tiễn: Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND tỉnh Hà Giang có nhiều đổi mới cả trong xây dựng, ban hành các nghị quyết tại kỳ họp, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh - chính trị - xã hội của tỉnh. Thông qua 8 kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành 169 nghị quyết, đặc biệt là các Nghị quyết về cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù của tỉnh như: Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch; Nghị quyết hỗ trợ phát triển kinh tế biên mậu; Nghị quyết ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Nghị quyết quy định việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu... Các nghị quyết HĐND tỉnh đã bám sát tình hình thực tế ở địa phương, có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực.

Trong thời gian tới, HĐND tỉnh tiếp tục tập trung đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp; thực hiện tốt việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, thông qua việc ban hành các nghị quyết, tạo cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

HĐND tỉnh Lai Châu đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp: HĐND tỉnh Lai Châu đã tập trung đổi mới về cách thức tổ chức kỳ họp, góp phần quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương; cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hàng năm và cả giai đoạn 2016 - 2020.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh khóa XIV đã tổ chức thành công 8 kỳ họp. Công tác chuẩn bị kỳ họp được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chuẩn bị chu đáo; chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh sớm tiếp cận, chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt thông tin và tiến hành thẩm tra các văn bản trình tại kỳ họp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết cũng như đẩy nhanh tiến độ thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hướng thiết thực, khoa học và linh hoạt hơn, giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, tăng thời gian thảo luận, thời gian trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu. Công tác điều hành của chủ tọa đảm bảo linh hoạt, khoa học, phù hợp với diễn biến của kỳ họp. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp đã có tác động tích cực trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền, được dư luận, cử tri và nhân dân đồng tình, ghi nhận. 


Lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh Lạng Sơn trong một cuộc giám sát thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

HĐND tỉnh Lạng Sơn - Hoạt động giải trình từng bước tạo lan tỏa: HĐND  tỉnh Lạng Sơn khóa XVI đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 5 phiên giải trình với các nội dung: về một số vấn đề liên quan đến nợ xây dựng cơ bản, các giải pháp thanh toán nợ XDCB; về tình hình, kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; thực trạng và các giải pháp liên quan đến phát triển các hợp tác xã; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; về công tác giết mổ gia súc, gia cầm, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh; về công tác quản lý, khai thác các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 - 2018... Sau mỗi phiên họp, Thường trực HĐND ban hành thông báo kết luận; phân công các Ban HĐND giám sát và có ý kiến với các Tổ đại biểu HĐND cùng theo dõi, giám sát. Hoạt động giải trình bước đầu đã tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới các cấp chính quyền. Từ đó, hiệu quả hoạt động giám sát của Thường trực HĐND ngày càng được khẳng định.

HĐND tỉnh Phú Thọ phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu HĐND tại kỳ họp: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ luôn đặc biệt quan tâm, thường xuyên đổi mới công tác tổ chức các kỳ họp HĐND theo hướng phát huy dân chủ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu, dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức 8 kỳ họp HĐND, ban hành 103 nghị quyết theo thẩm quyền, trong đó có 50 nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo về nội dung, chương trình kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng chỉ đạo hoạt động tiếp xúc cử tri để lắng nghe, giải trình, tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; họp tổ đại biểu HĐND để thảo luận về nội dung, chương trình kỳ họp, về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, thống nhất lựa chọn những vấn đề “nóng”, những vấn đề được nhiều cử tri địa phương quan tâm để đưa đến kỳ họp HĐND tỉnh. Thảo luận tại hội trường được chủ tọa gợi ý để đại biểu tập trung theo hướng lựa chọn những nhóm vấn đề nổi cộm, được cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm nhiều, tránh trùng lặp về nội dung, đồng thời gắn thảo luận với các báo cáo giải trình của các cơ quan chức năng của tỉnh. Qua 8 kỳ họp của HĐND tỉnh đã có 114 lượt chất vấn của đại biểu, 186 nội dung được giải trình tại kỳ họp. Những đổi mới và hiệu quả hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại kỳ họp luôn được cử tri, nhân dân quan tâm, theo dõi và đồng tình ủng hộ.

Sơn La đạt nhiều thành tựu nổi bật trong thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh: Năm 2018 cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND ngày 8/12/2017của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 và đã thu được kết quả tích cực, cụ thể: GRDP bình quân đầu người 38 triệu đồng/người/năm, tăng 3,6 triệu đồng so với năm 2017. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.030 tỷ đồng; tăng 568 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 3,78% so với năm 2017, còn 25,44%, là năm giảm cao nhất trong 6 năm gần đây. Tỉnh tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Toàn tỉnh đã có 15 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; 61 chuỗi sản phẩm an toàn; có 9.318 lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện; sản lượng 6.311 tấn, chiếm 88,2% sản lượng cá toàn tỉnh. Ngoài ra, trong tỉnh có 14 doanh nghiệp và 84 hợp tác xã nông nghiệp có thu nhập cao. Trong năm đã xuất khẩu được 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị xuất khẩu đạt 115 triệu USD (tăng 63,5% so với năm 2017); xuất khẩu được 17.500 tấn quả các loại (tăng 14,76 lần so với năm 2017) sang 12 thị trường nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người dân.

Một số nét chính về hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên năm 2018: Năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 2 cuộc giám sát đối với UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các Kỳ họp; 01 cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế, phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh năm 2016 và năm 2017. Tổ chức 12 phiên họp theo quy định để cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền; thống nhất, cho ý kiến theo đề nghị của UBND tỉnh về 62 nội dung thuộc thẩm quyền giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh; xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 152 cuộc tiếp xúc giữa các đại biểu HĐND tỉnh với 16.013 cử tri, tiếp nhận 1.424 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới trước và sau các Kỳ họp; thực hiện 12 cuộc tiếp công dân định kỳ; tổ chức hội nghị Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã lần thứ 3, lần thứ 4, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với 2 chủ đề về tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và chủ đề đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND. 

HĐND tỉnh Yên Bái có nhiều đổi mới trong hoạt động của kỳ họp: HĐND tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đổi mới, linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thành công các kỳ họp của HĐND. 

Trước kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chủ động tổ chức các cuộc họp liên tịch với UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để thống nhất nội dung chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp. Trong kỳ họp, HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm chất lượng  phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vừa qua, HĐND tỉnh đã thực hiện phương thức chất vấn theo nhóm vấn đề, theo lĩnh vực, hỏi 1 phút trả lời không quá 5 phút và cũng yêu cầu làm rõ thời gian giải quyết vấn đề mà đại biểu chất vấn. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, trên cơ sở các tài liệu được gửi trước cho đại biểu nghiên cứu theo quy định, đại biểu HĐND tỉnh tiến hành nghiên cứu, xem xét các báo cáo theo luật định của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh một cách nghiêm túc, khách quan. 

Chủ tọa kỳ họp bám sát chương trình, vận dụng linh hoạt từng phiên họp tiết kiệm thời gian, phát huy được tinh thần dân chủ và trí tuệ của đại biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ Sau kỳ họp, HĐND tỉnh Yên Bái quan tâm giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết kỳ họp đã thông qua; giám sát thực hiện việc trả lời chất vấn tại kỳ họp.

HĐND tỉnh Hòa Bình nâng cao hiệu quả giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri: Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình đã chủ động, coi trọng việc nâng cao hiệu quả giảm sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó tập trung vào các kiến nghị đã được cử tri kiến nghị nhiều lần, còn tồn đọng và chưa giải quyết xong tại các kỳ họp trước. 

Trước mỗi kỳ họp HĐND  tỉnh, Thường trực HĐND  tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh  báo cáo kết quả giải quyết đối với những kiến nghị của cử tri. Từ báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh nghiêm túc đánh giá việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm giải trình, làm rõ thêm các vấn đề trong báo cáo. Sau phiên họp, Thường trực HĐND chỉ đạo xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với các kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm, chưa chính xác hoặc kiến nghị được trả lời chung chung, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri được gửi tới các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh. 

Hiệu quả từ công tác tiếp công dân của HĐND tỉnh Lào Cai: HĐND tỉnh Lào Cai luôn xác định công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết mối quan hệ giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước nói chung với HĐND, đại biểu HĐND nói riêng. Thường trực HĐND tỉnh xây dựng lịch, phân công cụ thể trong công tác tiếp công dân và được thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các trụ sở làm việc.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến ngày 20-02-2019, HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp được 924 lượt công dân. HĐND tỉnh đã dành nhiều thời gian để đối thoại với công dân, gặp gỡ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân, tiếp thu những kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là các vụ việc bức xúc khiếu kiện kéo dài... Từ 01-7-2016 đến 20-02-2019, HĐND tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 725 đơn thư qua xem xét, xử lý, theo dõi hiện còn 10 đơn thư đang được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Những đơn thư không đủ điều kiện xử lý đều có văn bản hướng dẫn, trả lời để công dân biết và thực hiện. Những đơn thư quá thời gian giải quyết theo yêu cầu của HĐND tỉnh, đều có văn bản đôn đốc và đề nghị các cơ quan, đơn vị giải quyết đúng theo quy định. Qua đó, hạn chế được tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài, góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục