Thỏa lòng Dân mong: Bài 1: Từ thực tiễn cuộc sống

Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Nghị quyết số 03) là sự kế thừa, tích hợp từ nhiều nghị quyết được ban hành trước đây, đồng thời phát huy kết quả, tháo gỡ được những bất cập trong thực tiễn, hỗ trợ người dân hiệu quả, thiết thực hơn, tạo ra một luồng gió mới, tạo đà mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn của Tuyên Quang bứt phá. Việc ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết này được nhân dân đồng thuận cao đã cho thấy, trong quá trình thực hiện trách nhiệm cơ quan dân cử ở địa phương, HĐND tỉnh không ngừng hoàn thiện các chính sách, nghị quyết theo phương châm “Việc gì có lợi cho Nhân dân thì hết sức làm”. Trân trọng giới thiệu loạt bài viết về việc ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang.

Bài 1: Từ thực tiễn cuộc sống

Tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn giữ vai trò, vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết lớn để phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải có một nghị quyết giải quyết, tháo gỡ được những bất cập đó. Nghị quyết số 03 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, bất cập từ các nghị quyết, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ban hành đã không còn phù hợp.

Tích hợp từ nhiều nghị quyết

Trước năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã cân đối gần 1 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, Nghị quyết số 12 về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực của tỉnh, Nghị quyết số 03/2016 hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020…

Việc ban hành và thực hiện các chính sách này đã hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng, tạo nền tảng cho ngành nông nghiệp duy trì và vững tốc độ tăng trưởng ngành ở mức cao hơn so với bình quân chung cả nước. các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục phát triển, giá trị hàng hóa chủ lực chiếm trên 62% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên thực tiễn triển khai các nghị quyết này và thực tiễn phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cạnh tranh trong từng sản phẩm nông nghiệp còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.


Cánh rừng của gia đình ông Trần Văn Cao, thôn Trung Thu, xã Đông Thọ (Sơn Dương) được trồng từ chính sách hỗ trợ 100% giống cây lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang.                                            

Điển hình như cơ sở hạ tầng thiết yếu của các trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến, bảo quản sản phẩm; hệ thống đường giao thông vào khu sản xuất; việc tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhiều hộ dân chưa đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định của các ngân hàng nên không đủ điều kiện cho vay theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND. Bên cạnh đó, các hợp tác xã được hưởng các chính sách xúc tiến thương mại vẫn còn ít.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực của tỉnh trước đây, chưa có hộ nào tiếp cận để vay vốn, nguyên nhân do không đủ điều kiện để được hỗ trợ, mức hỗ trợ còn thấp nên chưa thực sự hấp dẫn người dân trong việc đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và còn nhiều khu vực chưa chủ động được nguồn nước tưới.

Để vừa kế thừa những kết quả đạt được từ các cơ chế, chính sách, nghị quyết trước đây mang lại, vừa tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, HĐND tỉnh Tuyên Quang xác định sự cần thiết phải ban hành nghị quyết mới trên cơ sở kế thừa các nghị quyết trước đây.

Vì mục tiêu Nhân dân được thụ hưởng

Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang được ban hành đã có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung để cụ thể, rõ ràng, thông thoáng với từng đối tượng, mức hỗ trợ. Mức hỗ trợ đối với nhiều nội dung chính sách được nâng lên, đảm bảo có sự khuyến khích cao đối với các đối tượng được thụ hưởng. Nghị quyết số 03 quy định chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng hỗ trợ hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chủ trang trại, hỗ trợ nuôi cá đặc sản, cá chủ lực, hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Nghị quyết cũng quy định nhóm chính sách hỗ trợ về vật tư, giống cây trồng, vật nuôi trong ghép cải tạo giống vườn cây ăn quả, thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, nuôi lợn đực giống để khai thác tinh, hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất.

Tại nghị quyết này cũng quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản xuất khẩu, hỗ trợ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều chỉnh chính sách hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị quyết số 03 quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại, trong đó có hỗ trợ chi phí tư vấn, hỗ trợ điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm, gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP, hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới; hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngõ, xóm, hỗ trợ cải tạo vườn đối với hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”; xây dựng thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.


Người dân xã Kim Quan (Yên Sơn) được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản từ Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang.

Nếu như tại Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trước đây, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/ trang trại thì đến Nghị quyết số 03 đã nâng lên 1 tỷ đồng/trang trại với thời gian hỗ trợ lãi suất cũng cụ thể hơn.

Chính sách hỗ trợ nuôi cá đặc sản, cá chủ lực cũng được quy định chi tiết và mở rộng thêm đối tượng nuôi tại các lồng, bể chứ không chỉ nuôi trong ao, hồ nhỏ. Trước đây, người nuôi cá đặc sản chỉ được hỗ trợ đánh giá và cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì tại Nghị quyết số 03, người nuôi cá đặc sản, cá chủ lực được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 1 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân.

Đối với chính sách nuôi trâu, bò sinh sản, trước đây tại Nghị quyết số 12 về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi, chỉ hỗ trợ 70% lãi suất tiền vay đối với hộ cận nghèo thì đến Nghị quyết số 03, hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để nuôi trâu, bò sinh sản; tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa trước đây là 50 triệu đồng/cá nhân thì đến Nghị quyết số 03 đã nâng lên 100 triệu đồng/cá nhân. Ngoài ra còn quy định cụ thể mức cho vay có hỗ trợ lãi suất đối đa 35 triệu đồng/con trâu cái sinh sản, 25 triệu đồng/con bò cái sinh sản. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 03, tháo gỡ những vướng mắc về hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực, HĐND tỉnh đã điều chỉnh từ hỗ trợ lãi suất vay vốn sang hỗ trợ 1 lần cho các tổ chức, cá nhân khi đầu tư với mức hỗ trợ theo thực tế tối đa không quá 40 triệu đồng/ha.

Sự điều chỉnh, bổ sung này được HĐND tỉnh ban hành trên cơ sở đánh giá sâu, kỹ thực trạng, tác động đến người dân của các cơ chế, chính sách trước đây. Bởi vậy có sự cụ thể, chi tiết nhưng lại thông thoáng, dễ triển khai thực hiện, đồng thời có tính bứt phá về chính sách hỗ trợ. Từ đó đã tạo tiền đề để nghị quyết đi vào cuộc sống và được Nhân dân đồng thuận cao, tích cực đón nhận.

>>Bài cuối: "Chắp cánh” cho nông nghiệp, nông thôn

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục