Gỡ khó làm cầu trên đường giao thông nông thôn

Qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh, 77 cây cầu nối nhịp đôi bờ đã và đang hoàn thành đem lại diện mạo mới, cuộc sống mới cho nhiều nơi vùng khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cầu đã phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng cần sự chung sức, đồng lòng của người dân, chính quyền địa phương để nghị quyết tiếp tục thực hiện hiệu quả.

Không để “mất” cơ hội làm cầu vì mặt bằng

3 cây cầu ở thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) xây dựng theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh đang hoàn thiện. Ông La Văn Tám, Bí thư Chi bộ Đán Khao cho biết: 2 cầu nằm trọn vẹn trên đất Đán Khao dễ dàng nhận được sự thống nhất hiến đất của người dân. Còn một chiếc nằm trên đất 2 thôn Đán Khao và Phai Đá, việc giải phóng mặt bằng khó hơn. Bởi cầu nối giữa Đán Khao với Phai Đá chủ yếu trên hơn 1.000 m2 đất ruộng của chục hộ gia đình thôn Phai Đá. Nếu không có giải pháp, người dân Phai Đá sẽ không đồng ý hiến đất để làm cầu. Trước tình hình đó, cán bộ thôn Đán khao đã tổ chức họp, vận động người dân gom tiền hỗ trợ người dân thôn Phai Đá phải hiến đất. Bí thư Chi bộ thôn Đán Khao La Văn Tám cho biết, lúc đầu người dân không đồng thuận nhưng qua phân tích, giải thích, người dân đã hiểu “cơ hội” xây cầu không phải lúc nào cũng có và đồng thuận góp 5 triệu đồng mỗi hộ để hỗ trợ các hộ ở Phai Đá mua đất sản xuất mới, quyết không để “mất” cầu vì không có mặt bằng xây dựng.


Cầu Nà Khan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) xây dựng theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh.

Chuyện làm cầu Nà Kham ở Năng Khả (Na Hang) cũng nhiều vướng mắc nhưng với tinh thần đi đầu của cán bộ và cả sự thấu hiểu của người dân, cầu đã thi công gần xong. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Kham Hoàng Thị Huế đã dày công vận động 8 hộ dân hiến trên 800 m2 đất, 2 hộ gia đình lùi rào, tháo ao để làm cầu. Làm gương chị Huế đã đổi 900 m2 ruộng ở chỗ thuận lợi lấy 700 m2 ruộng nơi cầu đi qua cho một hộ dân trong thôn để hiến trên 100 m2 đất xây cầu. Cùng với đó, chị Huế kiên trì vận động, các hộ dân đồng thuận hiến đất đủ mặt bằng làm cầu. Chị Huế bảo, cây cầu này do người dân xin xây dựng bao nhiêu năm qua mới được đầu tư nên không thể vì không có mặt bằng mà “mất” cơ hội làm cầu. Cán bộ xã, thôn quyết tâm giữ đầu tư để người dân có tuyến đường thuận lợi.

Cây cầu Nà Khan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) hoàn thành từ  3.000 m2 đất canh tác của 7 hộ dân trong thôn hiến. Ông Ma Văn Lê, Trưởng thôn Nà Khan cho biết, thôn có 40 hộ sống bên kia suối phải làm cầu gỗ để đi lại, hầu như năm nào thôn cũng phải huy động người dân làm lại cầu do mưa lũ cuốn trôi.

Gia đình ông Ma Đình Vàng, người hiến trên 300 m2 làm đường dẫn cầu Nà Khàn, giúp đỡ đơn vị thi công chỗ ăn, chỗ ở. “Gia đình cũng như người dân ở đây mong mỏi cây cầu từ lâu nên khi được tỉnh đầu tư, gia đình xung phong hiến đất để cầu nhanh chóng được thi công. Tỉnh đã thấu hiểu được nỗi khổ của người dân thì người dân cũng phải ủng hộ chứ” - ông Vàng chia sẻ.

Tìm giải pháp thực hiện

Thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) năm 2022 được đầu tư 2 cây cầu qua suối. Hiện cây cầu Nặm Đíp đã hoàn thành với sự ủng hộ, hiến đất của 2 hộ dân. Ông Nguyễn Văn Đư, thôn Nặm Đíp hiến 300 m2 đất, tháo ao để đơn vị thi công làm cầu. Đồng thời ông Đư còn vận động anh Nguyễn Văn Hình, hiến 150 m2 đất, chặt tre để thi công công trình. Ông Đư chia sẻ: “Tỉnh còn nghèo nên đầu tư cho người dân thì người dân nên ủng hộ. Chứ cứ đòi bồi thường đất đai thì cũng khó vì thiếu nguồn lực. Ngay từ nghị quyết đã rõ ràng là “Nhà nước đầu tư, Nhân dân tự giải phóng mặt bằng”.


Cầu Nà Kham ở Năng Khả (Na Hang) đang đẩy nhanh thi công nhờ sự đồng thuận hiến đất của người dân.

Lăng Can còn cầu Là Nga đang dừng thi công do chưa có đủ mặt bằng. Đồng chí Lý Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can cho biết, hiện có 2 hộ hiến đất, còn hộ gia đình ông Chử Xuân Hồng chưa đồng ý hiến nên công trình buộc phải dừng lại. Chính quyền xã, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã nhiều lần gặp gỡ, vận động. Tuy nhiên phía gia đình ông Hồng yêu cầu bồi thường đất sản xuất với lý do gia đình đã cạn nguồn đất sản xuất. Hiện chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục vận động gia đình ông Hồng và tìm hướng giải quyết.

Thực tế công tác thi công cầu trên đường giao thông cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Lã Chí Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Bắc, đơn vị thi công 22 cầu trên đường bê tông năm 2022 cho biết: cầu trên đường bê tông phần lớn ở vùng đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, không có đường vận chuyển máy móc, nguyên liệu. Vì vậy, để thi công cầu, đơn vị linh hoạt mọi biện pháp, đặc biệt là công tác dân vận để có được sự đồng thuận của người dân. Cán bộ công ty có khi mất cả tháng “cắm” thôn mới nhận được sự đồng ý của người dân mở đường chở vật liệu qua đất. Nhưng thực tiễn cũng ghi nhận tấm lòng của nhiều hộ gia đình không tiếc công, của ủng hộ Nhà nước, đơn vị thi công làm cầu.

Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, đơn vị chủ đầu tư nhấn mạnh, mục đích Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh là hoàn thiện hệ thống giao thông vùng khó khăn. Đa phần các cầu đều được xây dựng tại vị trí mới, gồm các hạng mục cầu và đường dẫn, do vậy sẽ đi qua nhiều đất của người dân nhưng không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Để có mặt bằng rất cần sự đồng lòng của người dân trong hiến đất xây cầu. Qua 2 năm triển khai cơ bản người dân đồng thuận hiến đất với 73 cây cầu được xây dựng mới. Đây là thành công để nghị quyết tiếp tục phát huy hiệu quả.

Công trình cầu có quy mô đầu tư từ 1 - 2 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa lớn, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện, xóa bỏ chia cắt về giao thông, kết nối giữa các vùng nhằm góp phần giảm nghèo, tạo bứt phá hơn đối với sự phát triển của các địa phương.     

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục