>>Bài 1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
* Mục tiêu: Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, trong đó chú trọng, tăng cường nguồn đầu tư hạ tầng quan trọng, trọng điểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh gọn biên chế.
Chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 thuộc lĩnh vực tham mưu: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5.405 tỷ đồng; Chi ngân sách địa phương 15.885 tỷ đồng.
Đồng chí Hà Trung Kiên, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính trình bày các giải pháp thực hiện tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Ảnh Quốc Việt.
* Một số giải pháp thực hiện:
(1) Thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, hoàn thành mục tiêu 5.405 tỷ đồng, đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó nâng cao năng lực dự báo thu - chi ngân sách, gắn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp để điều hành các nhiệm vụ chi ngân sách đã được duyệt và những nhiệm vụ chi ngân sách quan trọng, cấp bách. 100% huyện, thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trường hợp số thu ngân sách cấp huyện được hưởng theo phân cấp để cân đối nhiệm vụ chi không đạt dự toán, UBND huyện, thành phố xây dựng phương án điều hành ngân sách và sử dụng các nguồn lực để xử lý cân đối ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh Hải Hương.
(2) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó:
- Thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Thông tư số 88/2024/TT-BTC ngày 24/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách đúng quy định, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý tài sản công; quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi ngân sách ở tất cả các ngành, các cấp.
- Đối với chi đầu tư phát triển:
+ UBND huyện, thành phố, chủ đầu tư đẩy nhanh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, nhất là vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng; trình cấp có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh dự toán giữa các chương trình, dự án, nhiệm vụ đủ thủ tục, điều kiện, phù hợp với tiến độ thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
+ Đối với chi đầu tư từ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, trong quá trình thực hiện phân bổ vốn phải căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thu thực tế, trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, đồng thời ngân sách địa phương không bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này.
Tập trung thi công Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh Đức Tuyến.
(3) Tổ chức điều hành nhiệm vụ chi thường xuyên:
3.1. Các đơn vị được giao dự toán ngân sách địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, đảm bảo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn.
3.2. Các đơn vị sử dụng ngân sách, UBND cấp huyện sử dụng kinh phí đã giao trong dự toán ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách tiền lương, an sinh xã hội do Trung ương và tỉnh ban hành, đảm bảo phân bổ đúng chính sách, chế độ, chi trả kịp thời, đúng đối tượng. Không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.
3.3. Trong quá trình thực hiện dự toán, thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết. Không trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, thực hiện nhiệm vụ mới khi không có quy định của pháp luật hiện hành, chưa có chủ trương, không thực sự cần thiết và không dự kiến đầy đủ được nguồn kinh phí đảm bảo.
3.4. Căn cứ dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, đề nghị các đơn vị:
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ chi đã giao trong dự toán năm 2025 ngay từ đầu năm đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng nhiệm vụ, đúng mục đích, trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. Trong đó chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi, nội dung chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm 2025, hạn chế tối đa tình trạng dồn thực hiện vào những tháng cuối năm hoặc không sử dụng hết phải hủy dự toán
- Bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán được giao;
- Đối với những nội dung không còn nhiệm vụ chi hoặc không có khả năng chi trong năm 2025 (không đủ điều kiện chi chuyển nguồn sang năm sau) đề nghị báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh điều chỉnh giảm dự toán, thu hồi về ngân sách cấp trên theo quy định.
- Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đối với các nội dung chi chậm triển khai, tiến độ giải ngân không đảm bảo theo kế hoạch đề ra, để chuyển nguồn sang năm sau hoặc hủy dự toán.
3.5. Các đơn vị được giao dự toán kinh phí thực hiện mua sắm trang thiết bị tổ chức đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật hiện hành, trong đó nghiên cứu và tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 của Chính phủ, Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND ngày 26/12/2024 của HĐND tỉnh và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
(4) Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định.
(5) Có giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia đối với nguồn vốn được giao. Trong đó căn cứ vào các nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai ngay từ đầu năm các tiểu dự án, dự án, nội dung thành phần, đặc biệt là nguồn vốn được kéo dài sang năm 2025 theo khoản 7 Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội.
(6) UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, điều hành, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá. Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, nguồn hỗ trợ hoạt động đảm bảo xã hội giao tại Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 để chi thực hiện các nhiệm vụ cứu đói, chi trợ giúp xã hội khẩn cấp cho các đối tượng dịp Tết âm lịch.
(7) Căn cứ quy định của Luật số 56/2024/QH15 về sửa đổi, bổ sung 09 Luật (trong đó bao gồm Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công), tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương về ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó tập trung xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên giai đoạn 2026-2030; Nghị quyết của HĐND tỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp; quy định thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh.
Tập trung đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công. báo cáo kết quả Tổng kiểm kê tài sản công theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch đề ra; đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tăng cường công tác kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính ngân sách Nhà nước, tài sản công, chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.