Tinh giản biên chế: Chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người 'tinh'

Tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người "tinh" mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.

Theo số liệu thẩm tra tinh giản biên chế đến ngày 15/10/2018 và số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến 30/6/2022 của Bộ Nội vụ, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 79.024 người (bộ, ngành 5.510 người; địa phương 73.5134 người).

Viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất

Bộ Nội vụ cho biết, nếu tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất, chiếm 66,115%; cán bộ, công chức cấp xã chiếm 19,020% và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp: 0,216%; người làm việc tại các hội: 0,23%.

Nếu tính theo lý do tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất, chiếm 52,712%; do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chiếm 15,684%; dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính là 15,447% và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo: 3,746%.

Tính theo chính sách được hưởng, đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất, chiếm 81,813%; chính sách thôi việc ngay chiếm 18%; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước chiếm 0,115% và thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề, chiếm 0,072%.

Theo Bộ Nội vụ, chính sách tinh giản biên chế được ban hành tại các Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, 113/2018/NĐ-CP và 143/2020/NĐ-CP, đã tạo cơ sở pháp lý để áp dụng chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP đã quy định rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc; trình tự thủ tục giải quyết tinh giản biên chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế; đồng thời đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc thực hiện tinh giản biên chế.

Tinh giản biên chế: Chỉ giảm những người "tinh"

Tuy nhiên, nhìn lại kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, Bộ Nội vụ cho rằng, tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người "tinh" (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.

Bên cạnh đó, có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả không cao để "được" đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện tinh giản biên chế.

Thực trạng như vậy vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Xin "được" không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách tinh giản biên chế

Bộ Nội vụ cũng nhận định, công tác rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, chưa thực sự chặt chẽ, khách quan; còn nể nang. Do đó, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm hiện đảm nhiệm chưa thực sự hiệu quả.

Phân tích nguyên nhân, Bộ Nội vụ cho rằng, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.

Do việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thậm chí, có nhiều trường hợp còn xin "được" không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức chậm được đổi mới

Việc xác định vị trí việc làm là cơ sở để tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa có quy định, hướng dẫn đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức chậm được đổi mới, chưa khuyến khích họ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc.

Thời gian qua, có một số quy định của Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành có liên quan đến chính sách tinh giản biên chế, như Kết luận số 08-KL/TW của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Trong đó đã thống nhất lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu để làm căn cứ xác định điều kiện về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Thông báo số 20-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Trong đó có nêu, cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm, nếu xin tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo nguyện vọng.

Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã đánh giá công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.

Chưa có chỉnh sách đủ mạnh để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc

Một trong những vướng mắc, bất cập nêu trên là do các cơ chế tài chính hiện hành chưa thực sự phù hợp và đủ mạnh để có thể khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ổn định đời sống, tạo việc làm mới. 

Do vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-3030, nhiệm vụ đặt ra là nghiên cứu, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật khác có liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí công tác cán bộ; có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay.

Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đã đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2019 còn một số hạn chế như chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và đề nghị giai đoạn 2023-2030 có quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp.

Từ các quy định nêu trên, Bộ Nội vụ cho rằng, việc ban hành Nghị định mới thay thế các Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, 113/2018/NĐ-CP, 143/2020/NĐ-CP để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục