Nên có thêm lựa chọn cho người lao động?

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong báo cáo đầu tháng 3 về triển khai Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội, giai đoạn 2016 - 2021 có hơn 4,25 triệu lao động tham gia nhưng cũng có tới 4,06 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần.


Ảnh minh hoạ.

Tính trung bình, mỗi năm có gần 700.000 người rút bảo hiểm, số lượng năm sau cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình 11%, tổng kinh phí chi trả trong giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng. Có gần 2,9 triệu người rút bảo hiểm xã hội làm việc tại doanh nghiệp, chiếm 90,7%; khu vực nhà nước có 257.000 người, chiếm 8%; số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rút một lần là 38.800 người, chiếm tỷ lệ 1,2%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là do lao động làm việc trong khu công nghiệp có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều nên khi mất việc làm nhưng vẫn phải chi tiêu, bảo hiểm xã hội sẽ được "ưu tiên" nghĩ đến đầu tiên, tiếp sau đó là các giải pháp khác như nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc đi vay để trang trải cuộc sống. Và giữa đi vay và rút bảo hiểm xã hội một lần, nhiều người sẽ chọn rút bảo hiểm.

Nguyên nhân nữa là do dịch Covid-19 dẫn đến cắt giảm việc làm khiến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều hơn trong khi liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn yếu. Mặt khác, việc rút bảo hiểm xã hội một lần cũng khá thông thoáng, chỉ gồm các điều kiện như lao động đóng dưới 20 năm, sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục tham gia hoặc đóng tự nguyện sẽ được rút...

Thực tế, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng gia tăng, dẫn đến mức độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp, trong tương lai, ngân sách nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí. Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, vận động, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu, thiết kế thêm tầng hưu trí.

Đặc biệt, trong dự thảo còn có thêm phương án chỉ cho rút 50% tổng thời gian đóng, phần còn lại sẽ bảo lưu cho đến khi lao động tới tuổi nghỉ hưu. Nếu lao động quay trở lại hệ thống, chọn đóng tiếp thì cộng nối thời gian cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Nếu chưa đủ thời gian tham gia có thể chọn đóng một lần cho số năm còn thiếu, hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Về lý thuyết, những giải pháp mà cơ quan chức năng dự kiến hoặc đã đưa ra đều hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh tốt nhất cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc giữ lại 50% thời gian đóng bảo hiểm của người lao động hay giảm thời gian đóng cần xem xét kỹ lưỡng và thấu đáo, nếu không sẽ khó thực hiện và sẽ không đạt mục tiêu vì phần lớn lao động tham gia bảo hiểm xã hội di cư từ nông thôn ra thành thị nên chuyện có hay không có lương hưu không quan trọng bằng việc đầu tư vào vấn đề khác như cho con cái học hành hoặc gửi tiết kiệm.

Vậy nên, để giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, vấn đề mấu chốt ngoài sửa luật, phải tạo niềm tin của người lao động với quỹ. Người lao động phải được biết rằng tiền của mình để lại trong quỹ có minh bạch, an toàn hay không. Mặt khác, phải thay đổi đồng bộ các quy định về lương tối thiểu, bảo đảm người lao động đủ trang trải cuộc sống và có tích lũy. Và nếu được, nên đưa ra nhiều phương án để người lao động lựa chọn chứ không nên chỉ bó hẹp chọn rút hoặc không rút.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục