Ảnh minh họa nguồn: ITN. |
Sau khi Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng đến hết ngày 31.12.2022. Cũng tại Khoản 3, Điều 38 luật này quy định, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Và, sẵn sàng cho việc xác nhận về cư trú từ thời điểm sau ngày 31.12.2022, Khoản 4, Điều 37 Luật Cư trú đã bãi bỏ quy định yêu cầu “bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp”. Như vậy, đối chiếu vào những quy định trên, từ ngày 1.7.2021, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ cần chuẩn bị: Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và bản chụp giấy Chứng minh Nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Vậy, nhưng các quy định về nơi nộp hồ sơ của người dân, doanh nghiệp, hoặc văn bản của cơ quan có yêu cầu, đồng nghĩa với thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn giữ nguyên - tức là vẫn phụ thuộc vào nơi cư trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã chưa bảo đảm sự thống nhất, dẫn đến bất cập, khó khăn khi triển khai. Để tạm thời khắc phục bất cập này, một số địa phương đã yêu cầu người dân khi có nhu cầu thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 vẫn phải xuất trình sổ hộ khẩu, hoặc sổ tạm trú để có cơ sở xác định thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, yêu cầu này lại vi phạm quy định liên quan, vì yêu cầu thêm thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính.
Trước sự việc nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng sự vào cuộc của các cơ quan là kịp thời. Tuy nhiên, đây là khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi quy định pháp luật. Và để giải quyết bất cập này, đồng thời “bảo đảm an toàn” cho quá trình thực thi công vụ, các cơ quan quản lý “đặt thêm thủ tục, giấy tờ” - nghĩa là đẩy khó cho người dân. Vậy nhưng giấy tờ, thủ tục lại có tính chất liên đới giữa các cơ quan với nhau (yêu cầu cung cấp Sổ hộ khẩu trong khi cơ quan công an đã thu hồi Sổ), nên vừa kéo dài thời gian xử lý hồ sơ, vừa gây khó cho chính cơ quan nhà nước. Ở góc độ khác còn cho thấy, một lần nữa sự chậm chễ trong kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục việc giải quyết thủ tục hành chính cần sớm được giải quyết, không chỉ dừng lại ở các văn bản công văn hành chính thúc giục mà cần phải gắn việc chia sẻ, kết nối dữ liệu với công tác đánh giá thi đua xếp hạng hằng năm.