Mọi chủ trương, chính sách đều vì Dân
Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã vận dụng và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách dựa trên phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và đã đạt được những thành quả hết sức to lớn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đời sống ấm no cho Nhân dân. Điển hình có thể kể đến việc triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 162 nghị quyết, trong đó có 106 nghị quyết để cụ thể hóa, quy định chi tiết các chính sách của Trung ương và quyết định nhiệm vụ phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó nổi bật là Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025...
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh lấy thước đo sự hài lòng của người dân để đánh giá cán bộ.
Trong công cuộc xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã nhận được sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân. Giai đoạn 2010-2015, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xây dựng 2.900 km đường giao thông thôn, bản và đường nội đồng theo phương thức tỉnh hỗ trợ xi-măng, ống cống và chi phí quản lý; người dân hiến đất, đóng góp cát sỏi và công lao động. Trong giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kiên cố hóa được 1.004 km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu làm 1.080 km đường bê tông nông thôn và nội đồng. Năm 2022, đã thực hiện bàn giao đưa vào khai thác sử dụng 39/39 cầu. Năm 2023, đã khởi công xây dựng 39/39 cầu. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, tất cả các thôn của tỉnh có đường ô tô tới trung tâm; 85% đường thôn và hơn 65% đường nội đồng được “cứng” hóa.
Trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, kích cầu phát triển. Điển hình có thể kể đến Nghị quyết 16-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Trong thực hiện Nghị quyết, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa như: xây dựng hạ tầng để phát triển sản xuất; tập trung hỗ trợ cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm... Từ đó, đã góp phần quan trọng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực làm cho thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên, chỉ tính riêng trong 4 năm đầu thực hiện nghị quyết, thu nhập của người dân đã tăng 1,55 lần. Nghị quyết cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể.
Những kết quả trên đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Những chủ trương, chính sách của tỉnh thực sự xuất phát từ thực tiễn và từ chính nhu cầu của Nhân dân đã chứng minh khi có chủ trương, nghị quyết hợp lòng dân thì các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ được sự tham gia hưởng ứng tích cực của Nhân dân, trở thành phong trào sâu rộng trong Nhân dân, nhanh chóng được hiện thực hóa trong cuộc sống.
Xây dựng chính quyền phục vụ dân
“Dân thụ hưởng” liên quan đến quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như yêu cầu mở rộng cơ chế dân chủ cơ sở. Người dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, kiểm soát thực thi các chính sách, còn được quyền đón nhận những điều tích cực nhất. Để “dân thụ hưởng” đòi hỏi đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước phải thật sự tận tụy và sự cống hiến vượt trội hơn nữa, cán bộ phải xác định tinh thần là công bộc của dân.
Trong công cuộc cải cách hành chính, tỉnh luôn đặt ra mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền để từ đó xác định nhiệm vụ phải tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh đạt 81,72% (xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố), tăng 20 bậc so với năm 2021. Đây là những con số phản ánh khá chân thực về công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua.
Việc “thụ hưởng” của Nhân dân không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương chính sách chăm lo, đảm bảo cuộc sống của Nhân dân. “Thụ hưởng” còn được nâng lên thông qua sự chủ động của Nhân dân khi tham gia thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ở cơ sở. Do vậy, việc thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong giai đoạn tiếp theo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát huy vai trò chủ động, tích cực của Nhân dân tham gia vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.