Đạo đức cách mạng - di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng ta

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - “đạo đức” Người nói ở đây chính là đạo đức cách mạng.

“Căn bản” của đạo đức cách mạng là ở “chuẩn mực đạo đức”

Một trong những nội dung về Đảng của chủ nghĩa Mác-Lenin và cũng là thực tiễn cuộc cách mạng về đạo đức đó là đạo đức cộng sản. Theo V.Lenin: “Đạo đức cộng sản là giúp xã hội loài người thoát khỏi ách bóc lột lao động. Đó là góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột, góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản sáng tạo ra xã hội mới”. V.Lenin cho rằng, chuẩn mực đạo đức cộng sản của đảng viên là có đủ tư cách, phẩm chất xứng đáng là người lãnh đạo Ndân, là tấm gương đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng vì giá trị tốt đẹp của con người và của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và sáng tạo nội dung đạo đức đó trên nền giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người đã đề ra và xây dựng nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Người khẳng định vai trò và sự nghiệp của Đảng chỉ có thể xác lập, duy trì, phát triển được là do có trí tuệ sáng suốt, tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, tổ chức chặt chẽ trên nền tảng đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng là gốc - “cây không có gốc thì cây héo”; là nguồn - “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn”, là căn bản bởi “không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi được việc gì”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954) Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

“Căn bản” của đạo đức cách mạng là ở “chuẩn mực đạo đức”. Đó là phẩm chất cần có của người cán bộ, đảng viên; là thang giá trị, là thước đo để đánh giá, xem xét tố chất đạo đức cán bộ, đảng viên; là định hướng để tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng là thành viên của đảng cách mạng chân chính. Không đáp ứng được những chuẩn mực đó tất yếu đảng viên sẽ rơi vào suy thoái làm mất niềm tin của dân và sa sút ý chí chiến đấu - yếu tố quyết định đến vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.

Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những phẩm chất cơ bản của người cách mạng trong các mối quan hệ: với mình, với người và với công việc. Trong quá trình Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chính quyền mới, Người đã bổ sung và nêu rõ nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng. Người yêu cầu người cách mạng phải hội tụ đủ các phẩm chất: Trung với nước, hiếu với dân, ra sức làm việc cho Đảng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người, tất cả vì dân; có tinh thần quốc tế trong sáng. Đồng thời, Người cũng cảnh báo thiếu hoặc yếu một phẩm chất sẽ dẫn đến sai lầm, thất bại. Muốn vậy, người cách mạng phải rèn luyện, bồi đắp không ngừng phẩm chất cách mạng “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.

Tấm gương về đạo đức cách mạng của người cộng sản

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta tấm gương về đạo đức cách mạng của người cộng sản, đó là nền tảng tinh thần, là giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chính tấm gương và tư tưởng đạo đức của Người đã góp phần rất quan trọng để các thế hệ cán bộ, đảng viên tin tưởng và làm theo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng chế độ mới; đời sống đạo đức mới. Tuy vậy, sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay dù đã đạt được những tựu to lớn, toàn diện nhưng cũng đang đứng trước những thử thách lớn tác động sâu sắc đến đạo đức xã hội nói chung, trong đó có đạo đức cán bộ, đảng viên.

Vấn đề xây dựng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu, chưa tương xứng với tầm quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm bức xúc trong dư luận. Tình trạng xuống cấp đạo đức đang làm ô uế danh dự, vô liêm sỉ là điều rất đáng lo ngại, hơn thế nó còn được che đậy bản chất với lớp bọc ngụy trang tinh vi bằng mọi thủ đoạn.

Sự suy thoái đạo đức do nhiều nguyên nhân, trước hết và quan trọng nhất là ở sự rèn luyện tu dưỡng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cùng với các biện pháp thiếu quyết liệt, đồng bộ của tổ chức và cơ quan quản lý. Cơ chế thị trường cùng với sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội cùng với sự giao thoa nhiều luồng văn hóa trong điều kiện hội nhập và phát triển của công nghệ có tác động đến nội bộ. Điều đó đã đặt ra yêu cầu mới và cao hơn đối với Đảng ta với tư cách là Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền. Để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, là hiện thân cao quý của lương tâm và phẩm giá của con người và dân tộc Việt Nam; để nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải đi đầu, gương mẫu và tiên phong trong cuộc chiến đấu mới, phải thật sự có đạo đức, có trí tuệ trên nền tảng và những di sản về đạo đức Hồ Chí Minh.

Hy sinh phấn đấu phục vụ Nhân dân - gốc của chuẩn mực đạo đức

Theo đó, trước tiên mỗi cán bộ, đảng viên phải cần nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xem đây là trách nhiệm và đòi hỏi nội tại của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc phát huy tính tự giác, chủ động bồi đắp nâng cao đạo đức cần phải trở thành nhu cầu rèn luyện để không tự đánh mất mình trước cám dỗ danh vọng, tiền tài; là yếu tố căn cốt tạo nên sự vững bền của việc xây dựng Đảng về đạo đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh đã cảnh báo nguy cơ của Đảng cầm quyền là: “Hủ hóa tư tưởng, chia rẽ, kiêu ngạo, coi khinh Nhân dân, sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Cho nên trong xã hội đang biến đổi mạnh mẽ hiện nay, chủ động tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái ngay từ trong cán bộ, đảng viên và trong nội bộ Đảng trở thành một yêu cầu thiết thực trong việc học tập và làm theo lời Bác. Lúc này đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải giữ tâm sáng, bản lĩnh vững vàng, nhạy cảm chính trị, tỉnh táo vượt qua chính mình, giữ vững liêm sỉ và nhân cách văn hóa trước mọi cám dỗ để xứng đáng với Đảng quang vinh và niềm tin yêu của Nhân dân.

Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên phải phù hợp với điều kiện mới, tư duy mới trên nền tảng truyền thống văn hóa tốt đẹp và cốt cách của người người cộng sản. Đó là tận trung với Tổ quốc; tận hiếu với Nhân dân; thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; dân chủ, sáng tạo, trung thực, cầu tiến bộ…

Phải xem việc hy sinh phấn đấu phục vụ Nhân dân là gốc của chuẩn mực đạo đức. Cần nâng cao dân trí, bồi dưỡng văn hóa chính trị, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt, đồng thời dân chủ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Khuyến khích và tôn trọng sự giám sát của dân; không tự kiêu, xa lánh, vô cảm, lên mặt quan cách mạng; mà phải động viên cho dân “mở mồm ra”, tiếp thu thành khẩn những điều dân góp ý, nói đi đôi với làm và làm gương trước dân.

Các tầng lớp Nhân dân đi theo Đảng, tin vào Đảng trước hết thông qua hành động và tấm gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần hết sức quan tâm và đặt lên hàng đầu, đó là tiếp tục rèn luyện, củng cố, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng ta rất tự hào có được Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người là tấm gương trong sáng về đạo đức và tư cách của người cộng sản. Di sản quý giá đó có ý nghĩa rất quan trọng và cần được phát huy trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay để Đảng ta tiếp tục giữ vững uy tín và niềm tin trong Nhân dân, đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng trong điều kiện mới nhằm thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục