Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng vào công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là cho mỗi cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư ở địa phương có cuộc sống bình yên.

Năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực, so với năm 2019 tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh lại có những diễn biến phức tạp. Trong quý I năm 2021 đã xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, tăng 121%; số người chết tăng 11%; số người bị thương tăng 170% so với cùng kỳ năm 2020, cao nhất là trên địa bàn Thành phố Tuyên Quang, huyện Hàm Yên, huyện Na Hang.


Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh Hải Chung - Báo Nhân dân

Trước tình hình đặt ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (Phó Trưởng Ban Thường trực  Ban  ATGT  tỉnh), Giám  đốc Công  an tỉnh,  Chủ tịch  UBND  các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới, tập trung vào những nội dung cụ thể, đó là:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; nắm chắc tình hình, thực hiện quyết liệt các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông không để gia tăng, phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5-10% trong thời gian tới.

2. Thủ trưởng các cơ quan chức năng của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát và chủ động tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 17/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai công tác đảm bảo TTATGT năm 2021. Các địa bàn có tai nạn giao thông tăng trong quý I/2021, tiến hành phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, đồng thời có biện pháp chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông.

3. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông:

Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thành phố tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, tập trung thực hiện đợt cao điểm đảm bảo TTATGT phục vụ công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Xử lý kiên quyết đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật để chở khách, phương tiện chở quá tải trọng, trọng tâm là tuyến QL2, QL37, QL2C... có các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra; tăng cường công tác kiểm tra TTATGT đường thuỷ nội địa trước khi mùa mưa bão đến.


Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra tải trọng phương tiện vận tải trên Quốc lộ 37. Ảnh Trần Thái - Công an tỉnh

Sở Giao thông vận tải (cơ quan thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh): Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với công tác đào tạo lái xe; công tác đăng kiểm; hoạt động vận tải khách bằng ô tô, kiên quyết đình chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải không thực hiện đúng quy định trong kinh doanh vận tải. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm như: Phương tiện chở quá tải trọng; xe khách chạy không đúng hành trình, lịch trình; đón, trả khách không đúng nơi quy định; phương tiện thuỷ nội địa không đảm bảo an toàn kỹ thuật; chở khách không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định... Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra hành lang an toàn đường bộ, ngăn chặn, giải toả kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ; Tổ chức tốt việc theo dõi, tổng hợp, phân tích đánh giá hàng tháng để thường xuyên nhắc nhở, kiến nghị các biện pháp thực hiện đối với các địa phương, ngành chưa làm tốt công tác đảm bảo TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT, kiểm soát tải trọng phương tiện và quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ theo Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 của UBND tỉnh. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp với việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên hệ thống đường bộ, đường thuỷ nội địa. Kiên quyết xử lý các vi phạm về TTATGT; các phương tiện chở hàng hóa quá khổ, quá tải, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ nơi bốc xếp hàng hóa, trên các tuyến đường huyện, đường xã; đình chỉ hoạt động các phương tiện vận tải thuỷ, bến đò, bến khách ngang sông và các điểm khai thác vật liệu xây dựng vi phạm TTATGT đường thuỷ; tổ chức giải toả các chợ họp ven đường giao thông (cả đường đô thị), xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng công trình trái phép trong hành lang an toàn đường bộ gây cản trở đi lại và mất an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

4. Công tác phối hợp: Các tổ chức đoàn thể quan tâm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền và tham gia giữ gìn TTATGT; tổ chức phát động thi đua tập trung vào các hoạt động tại cơ sở để mỗi hội viên, đoàn viên và nhân dân tự giác thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo TTATGT năm 2021.

Để góp phần vào thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT ở địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục phát huy vai trò giám sát của mình để kịp thời phát hiện những điển hình tốt, đồng thời chỉ ra những nơi, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT ở địa phương để kiến nghị với Ủy ban nhân dân, các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết khắc phục kịp thời.

Ma Việt Dũng
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục