Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Mở đầu phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, kỳ họp thông qua 9 nội dung quan trọng, trong đó có tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, kế hoạch đầu tư công năm 2024... Mặc dù tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do người đứng đầu các đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Trước khi vào các nội dung của kỳ họp, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh báo cáo nhanh về tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính 6 tháng đầu năm. Công tác giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên một số chỉ số vẫn khá thấp, cụ thể như: chỉ số công khai minh bạch, chỉ số thanh toán trực tuyến... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành khẩn trương khắc phục những hạn chế, thực hiện hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các công trình chuyển tiếp hoàn thành năm 2023, sau năm 2023 đều đang bị chậm như: Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn); Dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Khâu Tinh, Tát Kẻ, xã Khâu Tinh (Na Hang); Dự án di dân khẩn cấp tại xóm Dùm, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang); Dự án xây dựng cầu Xuân Vân, vượt sông Gâm; Dự án xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D và đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ... Nguyên nhân do các dự án đang bị vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái đinh cư. Đây là nguyên nhân khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư chậm, tính đến ngày 15-7, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng mới chỉ đạt hơn 25%.
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Việt Hòa.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân trong diện phải di dời... Các đại biểu cũng đề nghị Nhà nước sớm phân bổ nguồn vốn, thực tế hiện nay một số dự án cũng đang phải chờ vốn.
Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các ngành chức năng, các địa phương, chủ đầu tư thống nhất giải pháp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm giải ngân vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, trong khi số vốn phải giải ngân còn rất lớn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, người đứng đầu các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công điện, quyết định của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân; các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch chi tiết từng tháng, từng quý để theo dõi sát, vướng đâu phải giải quyết ngay đến đó.
Riêng với nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo đến ngày 31-12 cơ bản giải ngân xong nguồn vốn. Đối với các chủ đầu tư hoàn vốn phải xem xét trách nhiệm, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân cản trở công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Ưu tiên đầu tư thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm
Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đầu tư năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước còn lại giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng vốn đầu tư năm 2024 trên 4.900 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư ngân sách địa phương trên 1.400 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương gần 3.500 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn sẽ được tỉnh ưu tiên đầu tư thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tập trung đầu tư hoàn thành các dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, an sinh xã hội.
Đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với dự kiến kế hoạch vốn đầu tư năm 2024. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư hoàn thiện các thủ tục báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Bộ Kế hoạch - Đầu tư trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đối với các chủ đầu tư có dự án, sớm hoàn thành thủ tục để bố trí vốn, đảm bảo nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án thiếu vốn, không để phát sinh nợ đọng.
Trong phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận các nội dung: Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định trình tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố trên địa bàn; Dự thảo sửa đổi quy định bố trí nhân viên kế toán các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục trực thuộc UBND huyện, thành phố; Dự thảo Quyết định đối tượng, tiêu chuẩn điển hình tiên tiến; Dự thảo kế hoạch khảo sát và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh theo chuẩn quốc tế, giai đoạn 2023-2025; Dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Kết nối hợp tác Tuyên Quang- Nhật Bản” năm 2023...
Về quy định bố trí nhân viên kế toán các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục trực thuộc UBND huyện, thành phố, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện, thành phố, Sở Nội vụ xem xét các tiêu chuẩn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị trường học. Riêng đối với nội dung khảo sát và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh theo chuẩn quốc tế, giai đoạn 2023-2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có các giải pháp tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong từng cấp học theo chuẩn để đáp ứng tốt nhất yêu cầu dạy học hiện nay.
Các nội dung khác, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình nhất trí, đề nghị các ngành chuyên môn, nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, bổ sung hoàn thiện dự thảo trình UBND tỉnh ký ban hành theo đúng quy định.