Tuyên Quang tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quan tâm, tổ chức thực hiện.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội nhằm quản lý chặt chẽ tham nhũng, lãng phí; công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường; công tác xây dựng thể chế về phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài sản, tiền vốn của nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; kịp thời xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy và người đứng đầu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được chú trọng thường xuyên; công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, người dân về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng; chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng; việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng, tiêu cực còn hình thức…


Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020. Ảnh: noichinh.vn

Ngày 25 tháng 02 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Chương trình số 03/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TU ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; kiên quyết khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Phấu đấu hằng năm 100% cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng với các hình thức phù hợp; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các quy định về nêu gương; 100% thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết công việc của người dân doanh nghiệp được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng kế hoạch tự kiểm tra nội bộ trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiến hành ít nhất 01 cuộc kiểm tra/năm; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi tham nhũng, tiêu cực phát hiện qua thanh tra, kiểm tra được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật; 100% tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng được giải quyết đúng quy định; các vụ án về tham nhũng, kinh tế được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 70%.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát, đưa nội dung chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào quy chế làm việc và chương trình công tác hằng năm; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Xác định việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương là một nội dung trong kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là các trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện xử lý tham nhũng; thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử; đạo đức công vụ; chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên “tự soi, tự sửa” để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái; định kỳ, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời khắc phục và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhân tố tích cực, điển hình, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc những trường hợp lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ cán bộ, đảng viên, gây mất đoàn kết nội bộ hoặc chống phá Đảng, Nhà nước.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục