Tuyên Quang nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao

Sáng 15-11, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 về kiểm tra, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo 19 bộ ngành Trung ương và 16 tỉnh, thành phố.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Tại điểm cầu Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 Thủ tướng Chính phủ giao cho 21 đơn vị (10 bộ, cơ quan trung ương, 11 địa phương, trong đó có tỉnh Tuyên Quang) thuộc Tổ công tác số 04 là 47.236,241 tỷ đồng (chiếm 69% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 10 tháng của 10 bộ cơ quan Trung ương và 11 địa phương đạt 59,8% kế hoạch được Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Trong đó: có 4 cơ quan Trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Cơ quan trung ương: Đài Truyền hình Việt Nam 100%; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 84,83%; Đài Tiếng nói Việt Nam 67,63%; Kiểm toán nhà nước 53,02%. Các địa phương: Thái Nguyên 85,14%; Lào Cai 77,29%; Bắc Kạn 65,95%; Tuyên Quang 59,68%; Điện Biên 58,38%; Yên Bái 57,23%; Sơn La 57,03%; Lạng Sơn 53,76%).

Qua phản ánh của các bộ, địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công có nhiều khó khăn. Trong đó: nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm; việc triển khai nguồn vốn thu sử dụng đất còn phụ thuộc vào tiến độ thu ngân sách của các đơn vị, các huyện, thành phố; giá đất theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được duyệt thường có sự chênh lệch lớn so với giá trị thực tế ngoài thị trường...

Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gặp nhiều vướng mắc do văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, nhất là hướng dẫn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình.

Nguyên nhân cơ bản một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế về năng lực, trình độ, nhất là năng lực quản lý nhà nước về tài chính, đất đai, xây dựng cơ bản, thẩm định, thực hiện các chương trình MTQG và năng lực tổ chức triển khai xây dựng dự án. Một số nhà thầu chưa thật sự quyết tâm tăng cường, máy móc, thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp để thi công. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong triển khai có lúc, có việc chưa chặt chẽ, còn lúng túng...

Các bộ, ngành, địa phương đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian đối với một số dự án; bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án ở các địa phương; xem xét điều chỉnh vốn đối với một số dự án...


Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu một số khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công đối với tỉnh. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc do quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa bị kéo dài.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh mưa lớn kéo dài, nhất là chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 gây ra gây ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công các công trình, dự án.

Vừa qua, Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh, bổ sung đối với tuyền cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang từ 2 làn xe lên 4 làn xe, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ quan tâm bố trí, phân bổ vốn cho tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đảm bảo hoàn thiện 4 làn xe hoàn thiện; chỉ đạo các bộ ngành sớm cho ý kiến vào điều chỉnh lên 4 làn xe để Tuyên Quang sớm được ban hành chủ trương đầu tư.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý vướng mắc.

Trường hợp các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách hoặc các quy định của pháp luật cần nêu rõ vướng mắc tại quy định nào; nêu rõ thẩm quyền xử lý, cơ quan chủ trì xử lý; đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ; đẩy mạnh công tác thanh quyết toán vốn.

Đối với các bộ, cơ quan là thành viên Tổ công tác số 04 hướng dẫn, giải đáp kịp thời, đúng trọng tâm, sát nội dung các vướng mắc, khó khăn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trường hợp vượt thẩm quyền, khẩn trương đề xuất giải pháp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, quyết định.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục