Tranh thủ mọi nguồn lực hoàn thành sớm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh

Chiều 25-12, dưới sự chủ trì của các đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Tuyên Quang tổ chức họp triển khai các nội dung công việc.
Video không hợp lệ


Các đại biểu dự họp.

Tham dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố và các thành viên Ban chỉ đạo.


Các đồng chí chủ trì phiên họp.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt

Qua rà soát, tổng số hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh còn  6.928 hộ (làm mới 4.525 hộ, sửa chữa 2.403 hộ); dự kiến kinh phí cần hỗ trợ trên 343 tỷ đồng. Hộ gia đình được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở phải là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân đang ở nhà tạm, nhà dột nát, nhà xuống cấp cần được làm mới, sửa chữa. Mức hỗ trợ 60 triệu đồng đối với làm mới nhà ở và 30 triệu đồng đối với sửa chữa nhà ở.

Điều kiện hỗ trợ là những hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Hộ gia đình được hỗ trợ phải được xây dựng hoặc sửa chữa trên đất ở hợp pháp, không có tranh chấp, không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở....


Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Thảo luận tại hội nghị các đại biểu đã báo cáo làm rõ kết quả, tình hình triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện, thành phố; tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo. Các đại biểu cũng nêu những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp liên quan đến huy động nguồn lực; nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện chương trình.

Ban Chỉ đạo thống nhất đến quý I/2025, hoàn thành việc giải ngân trên 197 tỷ đồng hỗ trợ cho 3.709 hộ (gồm 208 hộ người có công; 935 hộ từ hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà theo Chương trình mục tiêu quốc gia và 2.566 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thuộc các đối tượng còn lại nhận từ nguồn tài trợ của Thành phố Hà Nội). Tiếp tục vận động từ nguồn trung ương và các nguồn hợp pháp để hoàn thành cấp kinh phí cho các địa phương để thực hiện giải ngân đối với các hộ gia đình còn lại được hỗ trợ.

Phấn đấu đến hết quý II/2025: Cơ bản khởi công toàn bộ 3.219 nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, xây mới còn lại được hỗ trợ. Đến ngày 30/8/2025, hoàn thành nghiệm thu, đưa 100% công trình vào sử dụng; thực hiện xong công tác thanh toán, quyết toán theo quy định; hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.


Các đại biểu dự họp.

Quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm cao

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga nhấn mạnh: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình nhân văn sâu sắc, phải được triển khai với  quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm cao, với tư duy đổi mới. Sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của thành công của chương trình.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga phát biểu kết luận cuộc họp.

Đồng chí yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt; các cấp, các ngành, các địa phương tích cực huy động các nguồn lực để mỗi ngôi nhà được xây lên không chỉ đảm bảo theo tiêu chí mà trên mỗi ngôi nhà được hoàn thành thể hiện được ý chí, tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Đồng chí lưu ý, cần đa dạng hóa nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch, ngoài nguồn kinh phí tài trợ, ngân sách nhà nước phải tập trung huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ và các chương trình an sinh xã hội, nguồn quỹ vì người nghèo các cấp.

Đồng thời vận động huy động sự hỗ trợ giúp đỡ từ nguyên vật liệu, ngày công lao động của anh em dòng họ cộng đồng dân cư các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương để hỗ trợ các gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát xây dựng nhà ở mới kiên cố, chắc chắn, an toàn; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực thực hiện hoàn thành mục tiêu Kế hoạch.


Các đại biểu dự họp.

Về những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, đồng chí đề nghị cần rà soát, xác định rõ từng vướng mắc của từng hộ để có các biện pháp tháo gỡ. Ngân hàng chính sách xã hội cần rà soát, tổng hợp các đối tượng để triển khai các biện pháp về tín dụng liên quan đến quy định của Trung ương để triển khai hỗ trợ cho người dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị mỗi địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, phân rõ người, rõ việc, cập nhật tiến độ thực hiện, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Cần phát huy tối đa vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận trong vận động người dân tham gia ủng hộ hỗ trợ giúp đỡ hộ ở nhà tạm, nhà dột nát sửa chữa và xây dựng nhà mới.

Đồng thời tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức khơi dậy ý chí chủ động vươn lên, giúp cho hộ gia đình thấy rõ sự giúp đỡ của Nhà nước của cộng đồng chỉ là sự hỗ trợ, quan trọng là sự nỗ lực tự vươn lên và hoàn thiện bản thân.

Đồng chí lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện cần đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng... Các cơ quan báo chí của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án truyền thông hiệu quả để lan tỏa mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt để hoàn thành chương trình này với kết quả cao nhất, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Ngọc Hưng
Video: baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục