Đến dự có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh; Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm trao Cờ thi đua của UBND tỉnh tặng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. |
Trải qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang nói riêng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh và của Ngân hành Chính sách xã hội Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nhận ủy thác, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó trên 95% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo; chú trọng ưu tiên tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 15 năm thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi, từ 3 chương trình tín dụng triển khai tại thời điểm năm 2002, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai cho vay thêm 12 chương trình tín dụng chính sách mới. Đến 30-6-2017, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách đạt 2.242 tỷ đồng, tăng 2.124,7 tỷ đồng (tăng gấp hơn 19 lần) so với cuối năm 2002; doanh số cho vay đạt 5.094,6 tỷ đồng, với 346.842 lượt khách hàng được vay vốn. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002-2017 là 22,3%/năm; doanh số thu nợ đạt 2.989,3 tỷ đồng, chiếm 58,67% doanh số cho vay.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách còn một số hạn chế. Công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức; có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ mới phát sinh nghèo, cận nghèo vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cao, làm cho hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và vốn tín dụng chính sách nói riêng còn có phần hạn chế. Hoạt động tín dụng chính sách chưa được đồng đều giữa các huyện...
Từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh đề ra mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-12%. Đến năm 2020 dư nợ đạt khoảng 3.168 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hàng năm tăng tối thiểu 10 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tín dụng chính sách duy trì ở mức dưới 0,5%/tổng dư nợ; 100% các khoản nợ khoanh đến hạn trong từng năm đều được thu hồi hoặc xử lý theo chính sách quy định...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách xã hội khác trên địa bàn đạt hiệu quả...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh, trong những năm tới, Tuyên Quang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, do đó, công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách được mở rộng đến các đối tượng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên, tạo diện mạo mới cho vùng quê cách mạng. Đây là động lực quan trọng để cả hệ thống chính trị và hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, việc tập trung cho vay có vai trò quyết định. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm nguồn vốn cao hơn để bảo đảm tăng trưởng, tạo điều kiện để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần phát huy tinh thần cao đẹp, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt điều Bác Hồ dạy về chăm lo đời sống hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn...
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Cờ thi đua cho Chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh; tặng Bằng khen cho 84 tập thể, cá nhân có thành tích góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.