Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm gợi ý thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Thành Công |
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố; một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2021 đạt 9.227 tỷ đồng, bằng 58,5% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 85 triệu USD, bằng 62,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu bán buôn đạt 14.426 tỷ đồng, bằng 53,4% kế hoạch. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch được giao năm 2021 như điện sản xuất, giấy in viết, bột Barit, chè, gỗ thành phẩm, giày dép. Tiến độ triển khai một số dự án thủy điện chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu là khó khăn về vốn sản xuất, nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm do nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí về nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao…
Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận làm rõ, phân tích đánh giá nguyên nhân, vướng mắc để đề ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, triển khai thành lập khu, cụm công nghiệp; tham mưu thành lập cụm công nghiệp Tam Đa, cụm công nghiệp Ninh Lai, điều chỉnh Khu Công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương) thành cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án Nhà máy thủy điện Yên Sơn, Nhà máy thủy điện Hùng Lợi 1,2 (Yên Sơn), mở rộng Nhà máy Gang thép Tuyên Quang, Dự án dây chuyền 2 của Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Đồng thời, triển khai giải pháp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ khó khăn cho người sử dụng lao động và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19; tiêm vaccine cho lao động tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, sở phải tập trung cao độ trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công thương đối với các quy hoạch, kế hoạch, cụ thể hóa bằng các việc làm cụ thể; tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế chính sách các lĩnh vực thuộc ngành như: Thu hút đầu tư khu cụm công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tập trung cao độ cho các dự án lớn. Đồng thời, ngành tập trung cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy tặng Sở Công Thương cụm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích ngành Công Thương đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, mục tiêu của nhiệm kỳ 2021 – 2025 của tỉnh là phấn đấu đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, chính vì vậy vai trò của ngành Công Thương rất quan trọng.
Đồng chí đề nghị ngành chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về định hướng của Trung ương, Chính phủ, của Bộ Công Thương về phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Đồng thời, nắm chắc tình hình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại thuộc ngành quản lý như khó khăn về vốn, nguyên liệu sản xuất, nhân lực, chế độ chính sách về thuế; rà soát thực trạng hạ tầng kỹ thuật, an ninh tại các khu cụm công nghiệp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư; điều chỉnh những diện tích khu cụm công nghiệp không khả thi; xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ hoặc các dự án ngoài khu cụm công nghiệp có trong quy hoạch; tham mưu cho tỉnh lập các thủ tục quy hoạch triển khai các bước thu hút đầu tư tại các vị trí có lợi thế của tỉnh
Ngành tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án trọng điểm của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm; khẩn trương xây dựng quy hoạch công nghiệp giai đoạn 2021-2030 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, từ đó tập trung đầu tư, thu hút đầu tư đồng bộ tạo sự lan tỏa cho sự phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh. Ngành tập trung phát triển thương mại điện tử, thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; phương án tiêu thụ nông sản 2021-2025; thu hút đầu tự hệ thống hạ tầng thương mại điện tử, phát triển chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng thương mại tiện ích đồng đều từ thành thị đến nông thôn;
Ngành Công Thương phải chủ động nắm, dự báo tình hình thị trường về cung cầu để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp; đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa để ổn định cuộc sống nhân dân.
Sở Công Thương tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Công Thương đối với các dự án trọng điểm liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Lãnh đạo ngành cần thực hiện nghiêm quy chế nêu gương trong công tác lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giao. Dân chủ là yêu cầu quan trọng để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, góp phần xây dựng tỉnh ta ngày càng phát triển.