Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: https://baochinhphu.vn/
Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh.
Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Đặc biệt, ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Bên cạnh đó, đã có Chương trình 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp.
Thời gian qua, một số địa phương đã có cách làm tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn và bước đầu cho thấy kết quả tích cực của chính sách này, tuy nhiên không nhiều. Một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án.
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252 ha so với năm 2020.
Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), hiện có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) đã có trách nhiệm tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đại biểu các sở, ngành dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các chủ thể có liên quan cần phải xác định rõ nhiệm vụ của mình, tháo gỡ cái gì, tháo gỡ như thế nào. Trong đó tập trung tháo gỡ những vướng mắc về các chính sách như tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế GTGT…
Thủ tướng yêu cầu phải giao chỉ tiêu cho các địa phương, có các giải pháp khả thi để thực hiện; thực hiện cho đúng, hết khả năng, hết trách nhiệm, đạo đức xã hội với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, quan tâm đến dân ở cùng cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn và phải đặt địa vị vào những người chưa có nhà ở.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua. Đồng thời, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương.