Thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND: Quy định cụ thể, triển khai thống nhất

Việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND thành Văn phòng chung có điểm khó là vừa tham mưu triển khai thực hiện, vừa tham mưu giám sát việc triển khai thực hiện. Do đó, tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đa số đại biểu tán thành việc Nghị quyết của UBTVQH cần quy định cụ thể, tạo định hướng cho các địa phương tham gia có thể triển khai thống nhất.

Địa phương thí điểm sẽ có lợi hơn

Việc thí điểm hợp nhất ba Văn phòng thành Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh (gọi là Văn phòng chung) đến thời điểm này có lẽ không cần bàn thêm về sự cần thiết nữa. Việc hợp nhất đã được Nghị quyết số 18/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định rõ. Quan điểm này được khẳng định rõ nét hơn trong Kết luận số 34/2018 của Bộ Chính trị, và tại Nghị quyết số 56/2017 của QH cũng khẳng định “thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung”.


Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về Đề án hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng “không thể hiểu theo cách làm như lâu nay”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, việc thí điểm hợp nhất ba Văn phòng được triển khai theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tức là, đối với những vấn đề luật chưa quy định hoặc đã có quy định nhưng nay muốn làm khác luật thì QH ra nghị quyết cho phép thực hiện khác luật. Trên thực tế, vấn đề này quy định khác các luật liên quan, nên QH đã ra Nghị quyết 56/2017 quy định thí điểm hợp nhất ba Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND thành văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Và, nếu hiểu như vậy có nghĩa là khi Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, thì sẽ thực hiện đồng bộ trên cả nước theo mô hình Văn phòng chung.

Thời hạn phải hoàn thành sửa đổi các luật liên quan theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và của QH không còn nhiều (dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019). Vì thế, nói cách khác, địa phương nào tham gia thí điểm sáp nhập 3 Văn phòng sẽ có lợi thế hơn. Bởi lẽ, ở những địa phương này sẽ có khoảng thời gian để tiến hành chuyển giao tổ chức bộ máy, công việc chuyên môn, không phải tiến hành đột ngột khi các luật liên quan được sửa đổi.

Vẫn băn khoăn chức năng của Văn phòng chung 

Mô hình văn phòng tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh đã nhiều lần thay đổi, thực hiện tách - nhập nhiều lần. Từ sau năm 1976 đến năm 2001 được thực hiện theo mô hình chỉ có một văn phòng giúp việc cho các cơ quan này. Từ năm 2001 tách ra làm Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và Văn phòng UBND. Đến năm 2003 tách ra thành ba Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh. Đến năm 2007 nhập hai Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh. Đến năm 2015 lại tách ra thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND. Vì thế, hôm nay, chúng ta phải ngồi lại với nhau để làm rõ về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của việc hợp nhất ba Văn phòng, từ đó tạo thống nhất trong nhận thức và hành động.  

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị quyết của UBTVQH thiết kế theo hướng Văn phòng chung là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh. Văn phòng này là cơ quan tương đương cấp sở, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Nhưng vấn đề đặt ra là việc quy định Văn phòng chung không còn giữ chức năng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh sẽ không tương thích với chức năng của Văn phòng UBND tỉnh được quy định tại Nghị định 24/2014 của Chính phủ về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Nghị định này, Văn phòng UBND tỉnh được xếp vào danh sách các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, dù Điều 127, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của UBND. Văn phòng UBND được xếp là một cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh nhằm tiếp nhận công việc liên quan ở những địa phương chưa thành lập Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch...

Nếu theo phương án nêu trên, cộng với thời gian thực hiện thí điểm không nhiều, có ý kiến cho rằng, không nên quy định cụ thể tổ chức, chức năng, quyền hạn của Văn phòng chung, chỉ tiếp nối Kết luận 34 của Bộ Chính trị. Tức là, Nghị quyết của UBTVQH chỉ cần khẳng định giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn hiện hành của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh, tránh phải điều chuyển nhiệm vụ từ cơ quan này sang cơ quan kia, dễ khiến thời gian thực hiện bị muộn. Với những lý lẽ nêu trên, dự thảo Nghị quyết của UBTVQH nên đưa ra nguyên tắc chung, không quy định cụ thể, để chính quyền các địa phương căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương chủ động chỉ đạo xây dựng, phê duyệt đề án, bảo đảm đúng tinh thần Kết luận 34 của Bộ Chính trị.

Dù vậy, đại diện Ban Công tác đại biểu của UBTVQH và ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, dự thảo Nghị quyết của UBTVQH không nên quy định mang tính chất tiếp nối Kết luận 34 của Bộ Chính trị, rồi giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương cụ thể hóa, chủ động sắp xếp. Bởi lẽ, việc thực hiện thí điểm sáp nhập ba Văn phòng sẽ cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình sửa đổi Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương - được yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2019. “Nếu chờ Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ phải mất ít nhất nửa năm mới bắt đầu triển khai được, và như thế mất một năm các mô hình Văn phòng chung mới bắt đầu vào guồng” – ĐBQH Phan Thái Bình lưu ý.

Nếu không có định hướng cụ thể của UBTVQH thì sẽ mất nhiều thời gian, gây lúng túng cho quá trình triển khai. Hơn nữa, như Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Nghị quyết của UBTVQH được ban hành nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết của QH nên phải quy định cụ thể hơn, không thể dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc.

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục