Với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu quả”, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy chế làm việc, nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới phương thức, lề lối làm việc; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền đối với từng cá nhân; đồng thời xây dựng chương trình công tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động,...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tổ chức 48 cuộc giám sát, khảo sát (Trong đó 10 cuộc giám sát chuyên đề, 33 cuộc giám sát thường xuyên và 05 cuộc khảo sát). Cụ thể:
1. Tham mưu phục vụ giám xát thường xuyên:
Văn phòng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và chuyên viên theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên cập nhập, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh các chính sách pháp luật mới ban hành, tiến hành triển khai thực hiện tại địa phương. Việc cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh của các cơ quan nhà nước; đề xuất chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó chủ động chuẩn bị, thu thập thông tin, tài liệu, văn bản phục vụ giám sát việc thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, dảo đảm quốc phòng an ninh hàng năm; các kết luận chất vấn, giải trình …
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Văn phòng HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân tổ chức 33 cuộc giám sát thường xuyên (trong đó: Thường trực HĐND tỉnh 10 cuộc giám sát, các Ban của HĐND 23 cuộc). Qua giám sát, đã đánh giá được những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân hạn chế, từ đó có những kiến nghị với các cơ quan, địa phương, đơn vị được giám sát khắc phục, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương. Kết quả giám sát được tổng hợp, báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Tham mưu phục vụ các cuộc giám sát chuyên đề:
Từ năm 2016 đến nay, Văn phòng HĐND đã tham mưu cho Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh thực hiện 10 cuộc giám sát chuyên đề (Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 02 cuộc; các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức 08 cuộc), tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm. Ngay sau khi Đoàn giám sát ban hành chương trình, kế hoạch giám sát, Văn phòng phân công chuyên viên chuẩn bị đầy đủ, chi tiết các nội dung, cũng như chuẩn bị kịp thời các tài liệu có liên quan để cung cấp cho đại biểu tham gia Đoàn giám sát nghiên cứu trước. Sau khi kết thúc chương trình giám sát, Văn phòng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và gửi xin ý kiến từng thành viên của đoàn giám sát. Báo cáo kết quả giám sát bảo đảm tính chính xác, đánh giá khách quan, toàn diện, rút ra mặt được, chưa được; trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị phù hợp, tạo thuận lợi cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo thực hiện.
3. Tham mưu phục vụ giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp:
Văn phòng HĐND tỉnh đã tham mưu giúp Thường trực HĐND tỉnh phân loại các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp theo các nhóm lĩnh vực (quy hoạch, quản lý quy hoạch; đầu tư xây dựng cơ bản, an toàn giao thông; đất đai, tài nguyên môi trường; y tế, văn hóa, giáo dục, nội chính, cơ chế chính sách…); theo dõi, đôn đốc và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kịp thời nắm bắt việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan chuyên môn, chính quyền thuộc UBND tỉnh. Qua đó, phát hiện những nội dung cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết, kéo dài, gây búc xúc để đề xuất tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát với những hình thức phù hợp. Đối với kiến nghị về những vụ việc nóng, cụ thể, nếu không chỉ đạo giải quyết ngay sẽ phát sinh thành phức tạp, Văn phòng tham mưu để Thường trực giao các Ban kiểm tra, xác minh, đề xuất để cơ quan chức năng kịp thời giải quyết ngay. Đối với các nội dung có nhiều người kiến nghị kéo dài, nhiều lần liên quan đến công tác quản lý, điều hành của các ngành, địa phương. Văn phòng đề xuất với Thường trực HĐND đưa vào chương trình giám sát chuyên đề, yêu cầu giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND hoặc chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh như: Việc xử lý, thu hồi nợ tiền sử dụng đất; xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm đất; hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng; Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ; Nợ đọng bảo hiểm xã hội; công tác quản lý thuốc chữa bệnh, chất lượng nước sinh hoạt, công tác đào tạo nghề; an toàn thực phẩm; Việc chậm đặt tên đường phố, đánh số nhà trên địa bàn tỉnh; việc kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh...
Về giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri trước các kỳ họp, Văn phòng tham mưu kế hoạch để Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban của HĐND tỉnh chủ trì thực hiện. Theo kế hoạch, Văn phòng phân công lãnh đạo, chuyên viên tham gia Đoàn giám sát; tổng hợp thông tin, tài liệu gửi đoàn giám sát; xây dựng đề cương giám sát; tổng hợp báo cáo kết quả giám sát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Văn phòng đã tham mưu, thực hiện tổ chức 06 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó bình quân mỗi cuộc giám sát Văn phòng tổng hợp, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát khoảng 80 đến 100 ý kiến. Tập trung giải quyết các vụ việc chủ yếu như: Giải quyết chế độ chính sách; tranh chấp, lấn chiếm đất đai; quản lý tài nguyên, khoáng sản; quản lý xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư xây dựng hạ tầng và các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa… Qua đó, số kiến nghị của cử tri đã được giải quyết dứt điểm trên 80%; kết quả giải quyết cơ bản đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, tạo đồng thuận trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tham mưu phục vụ của Văn phòng HĐND tỉnh đối với hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tập hợp tài liệu, thông tin để cung cấp cho Đoàn giám sát có lúc chưa đầy đủ, chính xác; Việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ có liên quan để giúp đoàn giám sát xem xét, đánh giá vấn đề giám sát có lúc chưa chặt chẽ; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát có khâu chưa đồng bộ; Vấn đề tham mưu, đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan hữu quan có được đặt ra, nhưng hầu như chỉ dừng ở mức theo dõi và phản ảnh tình hình chung…
Để ngày càng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian tới. Văn phòng HĐND tỉnh Tuyên Quang đề nghị tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là: Kịp thời xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động, quy chế làm việc của Văn phòng HĐND tỉnh trên tinh thần phân công công việc phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm của từng bộ phận quản lý, điều hành cán bộ, chuyên viên tham mưu giúp việc. Mối quan hệ công tác giữa các Phòng, các Tổ nghiệp vụ phải chặt chẽ, tránh trùng chéo để nâng cao trách nhiệm tham mưu, xử lý công việc. Thực hiện chế độ làm việc trực tuyến, kết hợp chế độ thủ trưởng trong quản lý, vận hành các Phòng, các Tổ nghiệp vụ đảm bảo linh hoạt hiệu quả.
Hai là: Đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động của Văn phòng. Hoàn thiện, chuẩn hóa toàn bộ quy trình, quy định trong việc thể chế hóa các hoạt động của HĐND và Văn phòng HĐND đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Thực hiện tốt phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu quả” trong mọi hoạt động của cơ quan. Đặc biệt chú ý tới việc đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đoàn kết nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đầy đủ, hiện đại sẽ góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ.
Ba là: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực HĐND tỉnh; có cơ chế cụ thể, rõ ràng trong phối hợp hoạt động với các Ban của HĐND tỉnh và các cơ quan có liên quan. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, làm tốt công tác theo dõi, đánh giá CBCC gắn với thi đua khen thưởng để tạo động lực làm việc cho CBCC; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ CBCC gặp khó khăn khi thực thi nhiệm vụ; kịp thời biểu dương và khen thưởng đối với những người có thành tích xuất sắc trong công tác; xử lý những người vi phạm theo đúng trình tự quy định./.