Kính thưa Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Thưa các vị đại biểu,
Cùng với báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid–19, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã có báo cáo về một số ý kiến nhận định sơ bộ về tác động của dịch Covid–19. Qua các báo cáo này cũng như theo dõi sát tình hình thực tế, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi hoan nghênh và đánh giá rất cao những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua.
Ngay từ khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên, Ban Bí thư đã chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt, nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, tổ chức công bố dịch và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid–19 đã thực hiện nhiều giải pháp rất kịp thời với phương châm “chống dịch như chống giặc”, nên chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình ngay ở giai đoạn đầu và hiện nay đang tiếp tục kiểm soát ở thế chủ động để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Chúng ta đã chủ động nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng bộ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; tổ chức thông tin một cách công khai, minh bạch, kịp thời đến người dân… (Ví dụ như 22 giờ đêm hôm qua (22/3), tôi đã nhận được thông tin cập nhật từ ứng dụng NCOVI về tổng số người lây nhiễm và diễn biến dịch bệnh). Mặc dù nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm nhiều, nhưng thực tế vừa qua, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, được cả thế giới đánh giá cao. Tình hình gần đây có diễn biến phức tạp, nhưng phần lớn các ca nhiễm đều là từ bên ngoài về. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, làm cho người dân tin tưởng thêm vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.
Qua đây, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gửi những tình cảm thân thiết, sự trân trọng và lời cảm ơn chân thành với sự tin tưởng sâu sắc tới các cấp chính quyền, đội ngũ những người trong tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là các nhân viên y tế, các nhà khoa học, các chiến sĩ quân đội, công an nhân dân, nhân viên các cơ quan hữu quan, các nhà báo... đã và đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu, chấp nhận khó khăn gian khổ để bảo vệ sự an toàn của người dân và đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh |
Có những số liệu tôi nghĩ là chắc chưa thật đầy đủ nhưng cũng rất ấn tượng, đó là: Đã có gần 7.000 người Việt Nam ở tâm dịch các nước được đón về nước; 700 tiếp viên hàng không - những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong tốp 3 nhưng vẫn đăng ký không nhận lương hoặc nghỉ không hưởng lương 2 đến 3 tháng; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần phòng, chống dịch dù biết rằng mình ở trong độ tuổi nhạy cảm đối với dịch bệnh này; hơn 10.000 cán bộ, chiến sỹ đã hơn một tháng nay ngủ bạt, ngủ lều để nhường chăn, gối, giường, đệm cho những người bị cách ly; tất cả các khu vực cách ly đều được cung cấp suất ăn miễn phí; đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân, khách sạn tư nhân đề nghị cung cấp miễn phí toàn bộ tiền phòng, tiền ăn cho những người nước ngoài bị cách ly ở Quảng Ninh; nhân viên khách sạn lẽ ra được quyền nghỉ nhưng xin ở lại để phục vụ cho người bị cách ly... Đó là những con số, những hình ảnh rất đẹp của Việt Nam chúng ta. Tôi đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền những việc như thế này.
Tôi cũng chia sẻ với những người dân ở trong các khu vực bị cách ly phải vượt qua khó khăn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Có rất nhiều hình ảnh đẹp về sự san sẻ, giúp đỡ nhau của đồng bào trong những ngày bị cách ly. Chúng ta thấy ở Trúc Bạch, người dân hớn hở, trẻ con nô đùa trên đường phố sau khi được dỡ bỏ cách ly. Có thể nói, qua đây càng thấy rõ hơn sự đoàn kết quân dân, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định sẽ đồng hành, sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để Chính phủ tập trung triển khai tốt nhất các biện pháp chống dịch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí rất cao quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp mà Phó Thủ tướng đã báo cáo; đồng thời, có một số ý kiến nhấn mạnh thêm:
Trước hết, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các địa phương. Việc xét nghiệm, cách ly, ứng phó sẵn sàng với mọi tình huống như giải pháp của Chính phủ đã đưa ra là đúng, bài học của Việt Nam là đúng.
Cần tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy nhà nước; tuân thủ đúng việc không tập trung đông người, phải đeo khẩu trang nơi công cộng, người trên 60 tuổi hạn chế ra đường. Các bộ, ngành, địa phương một mặt phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; mặt khác, khẩn trương điều chỉnh phương pháp làm việc phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, phục vụ cho dân qua dịch vụ công trực tuyến. Ở Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cũng đã triển khai các ứng dụng và sắp tới sẽ tổ chức để làm việc trực tuyến với đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ làm việc trực tuyến để bảo đảm công việc vẫn trôi chảy. Bên cạnh đó, cần lưu ý không để xảy ra tình trạng ỷ lại, lấy lý do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến công việc, kéo dài tiến độ hoặc thoái thác nhiệm vụ.
Tôi hoan nghênh sự tham gia của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã rất vất vả để hàng giờ, hàng ngày cập nhật thông tin chính thống, kịp thời đến với người dân và phản ánh được tình hình đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch với những cách thức đa dạng, phù hợp. Đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sẽ bình thường trở lại thì công tác tuyên truyền vẫn phải chú ý, không được chủ quan, lơ là khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Bên cạnh đó, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài với diễn biến phức tạp thì cần có giải pháp để ổn định kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, bảo đảm đời sống cho nhân dân. Nhân đây, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần tăng thu ngân sách năm 2019, trừ những vấn đề cấp thiết nhất thì cần dự phòng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và giải quyết những vấn đề thâm hụt ngân sách do sản xuất bị tác động bởi dịch bệnh.
Tôi cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục theo dõi, nắm sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để có những đề xuất kịp thời, hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội điều chỉnh chương trình công tác, nhất là các hoạt động giám sát để tập trung cho phòng, chống dịch, không tổ chức các đoàn giám sát đi về địa phương, trừ hoạt động giám sát tối cao đến nay cũng gần hoàn tất. Kiểm toán Nhà nước cũng điều chỉnh chương trình hoạt động để phù hợp với tình hình chống dịch bệnh, chung tay với Chính phủ và các địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nhân dịp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kêu gọi nhân dân cả nước phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, chung tay thực hiện nghiêm và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, “người người chống dịch, nhà nhà chống dịch”, mỗi người dân là một chiến sỹ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng phải nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị của Đảng, theo dõi và chấp hành đúng sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, của các cấp, các ngành, nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe của chính mình, của người thân và của cộng đồng xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn.