Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, các cấp, các ngành đã xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch, quy hoạch, đề án, ban hành chính sách, huy động các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là công tác lao động, việc làm, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chuyển dịch cơ cấu nhân lực theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng dần tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ CBCCVC được nâng lên; tỷ lệ CBCC có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên tăng qua các năm. Mạng lưới, cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được củng cố, mở rộng và nâng cấp, chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực. Thành lập Trường Đại học Tân Trào và Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ. Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh và khu vực. Giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; công tác giảm nghèo được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ TU nguồn nhân lực của tỉnh đã được cải thiện về chất lượng. Các trường chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp, liên kết với các trường đại học trong nước, trong vùng để tổ chức đào tạo nâng cao nguồn nhân lực trong tỉnh. Từ 2011-2015 các trường đã liên kết đào tạo 2.159 người, trong đó đào tạo thạc sỹ 89 người, bác sỹ chuyên khoa II:
41 người, bác sỹ chuyên khoa I: 21 người, đại học 2.008 người. Chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác tại tỉnh cũng được ban hành, trong 5 năm đã thu hút được 64 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 2 tiến sỹ. Công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 98%; CBCC tham mưu nghiên cứu tổng hợp của cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 97,5%; đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên đạt 87%; ...
Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, khả năng thích ứng với môi trường sống cho học sinh, sinh viên còn hạn chế. Công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, cơ sở đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác đào tạo đại học, cao đẳng và đào tạo nghề chất lượng chưa cao, chưa gắn với nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Đội ngũ CBCCVC cơ bản đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn ngạch và chức danh nhưng năng lực, trách nhiệm và hiệu quả công việc của một bộ phận chưa cao. Chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao về công tác tại tỉnh chưa hấp dẫn...
Giai đoạn 2016-2020, Tuyên Quang sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; thực hiện đổi mới toàn diện GD & ĐT; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC, công nhân và người lao động nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; đẩy mạnh liên kết, mở rộng hợp tác đào tạo phát triển nhân lực; nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực con người Tuyên Quang.
Với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cùng sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, là cơ sở tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực của Tuyên Quang trong tương lai. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân địa phương./.