Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Dự họp có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị các cấp, các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nhanh chóng triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để các nguồn vốn, dự án phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định của pháp luật trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình.
Hội nghị xem xét, thảo luận 9 nội dung về phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu tập trung thảo luận trong sáng nay là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Với tổng nguồn vốn trên 4.400 tỷ đồng, mục tiêu chương trình đặt ra là nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 4%/năm; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với kế hoạch, đề nghị tiếp tục rà soát lại các số liệu, đầu điểm các công trình không đầu tư dàn trải, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý về chủ trương chủ trương thực hiện thí điểm phát triển dự án tín chỉ các bon đối với rừng trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, hiện nay quy định pháp lý về việc thương mại tín chỉ các bon rừng chưa thật đầy đủ và cụ thể nên cần xem xét, nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Kế hoạch thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, mục tiêu nhằm giảm số hộ nghèo từ trên 50.000 hộ năm 2021 xuống còn trên 22.000 hộ vào cuối năm 2025, tỷ lệ giảm nghèo bình quân gần 4%/năm. Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, kế hoạch thực hiện đề án giảm nghèo cần tập trung vào 3 trụ cột chính: Đào tạo nghề, tạo việc làm và tạo điều kiện để 100% hộ nghèo được tiếp cận với thông tin giảm nghèo bền vững qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet. Quan điểm là cung cấp phương thức và tạo điều kiện để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.
Nhất trí thành lập Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT Lâm Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị ngành Giáo dục tỉnh phối hợp với địa phương rà soát đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho việc dạy và học cho học sinh dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện Lâm Bình.
Hội nghị cũng xem xét, thảo luận về án xây dựng Trường Chính trị chuẩn giai đoạn 2022-2030 và Đề án đưa cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn; đề xuất chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số nội dung quan trọng khác.