Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo huyện, thành phố.
Theo Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao kinh tế đã có một quá trình hình thành, phát triển hơn nửa thế kỷ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước kể từ khi giành được độc lập. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng đối với công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng.
Đại hội XIII khẳng định "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc" và xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong "tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước".
Văn kiện Đại hội cũng lần đầu tiên đề ra định hướng "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm".
Quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, phát huy truyền thống của ngành ngoại giao, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được ngành ngoại giao triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn theo dõi Khai mạc Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ đất nước tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Ngay trong Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương trình bày các tham luận quan trọng, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển ngoại giao kinh tế trong tình hình mới thời cơ và thách thức.
Phát biểu chỉ đạo tại Khai mạc Phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta tiếp tục thay đổi về ngoại giao kinh tế; công tác ngoại giao phải tham mưu kịp thời cho Đảng, Chính phủ; biết kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại; giải quyết được vấn đề toàn cầu, toàn dân; tạo ra môi trường hòa bình để huy động mọi nguồn lực; kết hợp nhuần nhiễn ngoại giao kinh tế với văn hóa; chú trọng ngoại giao nhân dân.
Chính phủ tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế.
Ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, cũng như các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo. Ngoại giao kinh tế kết quả cuối cùng là phải ra được kế hoạch, dự án, sản phẩm, nâng cao được tiềm lực, vị thế của đất nước, đời sống của nhân dân.
Đồng chí đề nghị tăng cường thể chế đường lối đối ngoại; cơ thế hợp tác; đối ngoại phải có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức thực hiện; kiểm điểm đánh giá, cụ thể hóa tốt đường lối; đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; chủ động, tự lực, tự cường...
Nhân dịp này Chính phủ đã khen thưởng một số tập thể, cá nhân của Bộ Ngoại giao đã có thành tích xuất sắc trong công tác ngoại giao trong thời gian vừa qua.