Một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2022 và những năm tiếp theo

Theo kết quả công bố chỉ số (PCI) năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2021 tăng 02 bậc so với năm 2020 (từ xếp hạng thứ 31/63 tỉnh, thành phố năm 2020 lên xếp hạng thứ 29/63 tỉnh, thành phố trong cả nước), với điểm số là 64,76 (tăng 1,3 điểm so với năm 2020), đã vươn lên nằm trong các tỉnh có điểm số khá; xếp thứ 4/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Đây thực sự là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động xấu, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn và các đại biểu dự Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trong 10 chỉ số thành phần năm 2021, có 6 chỉ số tăng điểm: Tính năng động của chính quyền địa phương, gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh kết quả đạt được, có 4 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2020, gồm: Đào tạo lao động, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần (PCI) cần tập trung khắc phục và cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần có điểm số thấp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu “Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”. Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Chỉ thị số 02- CT/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tập trung khắc phục để tăng điểm và vị trí xếp hạng các chỉ số bị giảm điểm năm 2021: Đào tạo lao động (giảm 20 bậc và giảm 1,18 điểm so với năm 2020, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố); cạnh tranh bình đẳng (giảm 19 bậc và giảm 1,09 điểm so với năm 2020, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố); chi phí thời gian (giảm 7 bậc và giảm 0,52 điểm so với năm 2020, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (giảm 22 bậc và giảm 0,13 điểm so với năm 2020, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố).

Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. 

Tiếp tục cải thiện điểm số các chỉ số thành phần: Tính minh bạch (tăng 04 bậc và tăng 0,82 điểm so với năm 2020, xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố); tiếp cận đất đai (tăng 5 bậc và tăng 0,59 điểm so với năm 2020, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 4 bậc, tăng 0,37 điểm so với năm 2020, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố); chi phí không chính thức (tăng 11 bậc và tăng 0,77 điểm so với năm 2020, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố); gia nhập thị trường (tăng 43 bậc và tăng 0,89 điểm so với năm 2020, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố); tính năng động của chính quyền địa phương (tăng 26 bậc và tăng 1,81 điểm so với năm 2020, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố)

Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025; Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021- 2025; triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành sâu sát, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xác định rõ cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng niềm tin giữa các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, phát hiện những bất cập trong quy định của pháp luật, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật tại địa phương. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng các khu công nghiệp, đường giao thông. Tiếp tục duy trì tổ chức chương trình “cà phê doanh nhân” và đối thoại, gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương để giải quyết kịp thời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…   

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục