Tại hội nghị có 14 bài tham luận của Thường trực HĐND 14 tỉnh và 05 ý kiến trực tiếp phát biểu tại hội trường, các đại biểu đã đánh giá cao ý nghĩa to lớn của Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong việc khẳng định và nâng cao vị thế, quyền lực của cơ quan HĐND, đây là một hành lang pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng bộ máy và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, giúp cho HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương như Hiến pháp đã quy định; những kết quả sau gần một năm thực hiện, đó là bộ máy HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được kiện toàn thêm một bước, tăng cường về số lượng và nâng cao hơn về chất lượng; các hoạt động tiếp tục có những đổi mới, đi vào chiều sâu và đã thu được những kết quả tích cực.
Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP), cũng còn nhiều bất cập vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời như: Chưa có Nghị quyết hướng dẫn Quy chế hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, như Nghị quyết 753/2005/ NQ-UBTVQH11. Cần có hướng dẫn và làm rõ một số nội dung trong quy định của Luật TCCQĐP để các địa phương thực hiện thống nhất như: Xây dựng quy chế phiên họp của Thường trực HĐND các cấp; từng địa phương tự xây dựng hay cần có quy chế mẫu từ Trung ương để vận dụng cho thống nhất. Hướng dẫn hoạt động phối hợp, mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới. Việc bầu các thành viên UBND là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND, quy định bầu thành viên Ủy ban trước hay bổ nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND trước. Hướng dẫn về hình thức tổ chức, nhiệm vụ của Thư ký kỳ họp theo Luật TCCQĐP năm 2015, khi kỳ họp HĐND không còn Đoàn thư ký như trước đây. Hướng dẫn về hình thức giám sát của Đại biểu và Tổ đại biểu HĐND theo qui định tại điều 112 Luật TCCQĐP và điều 83 Luật giám sát của Quốc hội và HĐND. Hướng dẫn về Quy định về tiếp công dân của Thường trực HĐND theo Điều 107 Luật TCCQĐP…
Về cơ quan Văn phòng HĐND tỉnh: Tất cả các địa phương đều cho rằng Luật TCCQĐP thì HĐND được tăng cường về quyền lực, về đội ngũ cán bộ chuyên trách ở Thường trực, các Ban HĐND; nhưng theo Nghị định 48/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ, thì cơ quan Văn phòng HĐND lại bị co hẹp lại, không được nâng cấp tương xứng để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và không phù hợp thực tế hiện nay ở các địa phương.
Tại hội nghị, Thường trực HĐND 14 tỉnh trong khu vực thống nhất kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ một số vấn đề cụ thể sau:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động của HĐND theo Luật TCCQĐP năm 2015 thay thế Nghị quyết 753/2005/QH11.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm có các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật TCCQĐP để đảm bảo hoạt động hiệu quả của HĐND trong toàn quốc: Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện sau khi được HĐND bầu là ủy viên UBND; công tác thư ký kỳ họp của HĐND; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, các kết luận, kiến nghị sau giám sát và chế tài xử lý khi không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm kết luận giám sát; giám sát của Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND theo quy định tại Điều 112 Luật TCCQĐP và Điều 83 Luật giám sát của Quốc hội và HĐND. Để nâng cao vị trí, vai trò của HĐND và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, đề nghị, cơ cấu Chủ tịch HĐND là Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy hoạt động chuyên trách, Trưởng các ban của HĐND hoạt động chuyên trách và tham gia cấp ủy cùng cấp. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng hoạt động theo các chuyên đề cho đại biểu HĐND các cấp; định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình hoạt động của HĐND các cấp, những khó khăn, bất cập và kiến nghị đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
3. Kiến nghị, đề xuất với Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 48/2016/NĐ- CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, theo hướng có các phòng chuyên môn phục vụ các Ban HĐND và 2 phòng Tổng hợp và Hành chính-Tổ chức-Quản trị để thực hiện các nhiệm vụ chung phục vụ Thường trực, các Ban và Văn phòng (tổng hợp báo cáo, tiếp dân, thông tin tuyên truyền, TXCT, hậu cần...). Bổ sung những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, UBND cấp xã theo quy định của Luật TCCQĐP. Sửa đổi, ban hành một số chính sách về khen thưởng đối với đại biểu HĐND và cơ quan HĐND các cấp; quy định chế độ phụ cấp đối với Thường trực HĐND các cấp; các quy định chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cơ quan HĐND, đại biểu HĐND, cán bộ cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND các cấp.
Với trách nhiệm là đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng sẽ tập hợp các ý kiến phát biểu, những đề xuất, kiến nghị của các tỉnh trong khu vực tại Hội nghị để báo cáo kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét hoàn thiện chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý tạo điều kiện bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.