“Lắng nghe” là một nghệ thuật của quá trình giao tiếp, mà hoạt động của đại biểu dân cử chủ yếu thông qua giao tiếp trực tiếp, như tiếp xúc cử tri, tiếp công dân... Nói “lắng nghe là một nghệ thuật của quá trình giao tiếp” vì khi tiếp xúc trực tiếp với cử tri, người đại biểu phải biết lắng nghe ý kiến của cử tri. “Lắng nghe” ở đây được biểu hiện ở sự tập trung chú ý vào người nói, người nghe lúc này phải giao tiếp bằng mắt, hướng về phía người nói hay gật nhẹ đầu biểu lộ sự tán thành và thông hiểu. Điều này cho thấy người nghe đang thật sự chú ý và tiếp nhận thông tin. Hơn nữa, đối với người nói đây là một liều thuốc “kích thích” tạo hưng phấn để cho người nói tự tin trình bày vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc hơn. Thông qua đó, đại biểu dân cử nhanh chóng nắm bắt được thông tin.
“Thấu hiểu” là hiểu đầy đủ, sâu sắc về người đó, cả tình cảm cũng như suy nghĩ của họ. “Lắng nghe” và “thấu hiểu” liên quan mật thiết với nhau, nó là hai mặt của một vấn đề. Trước hết muốn thấu hiểu thì người đại biểu phải biết chăm chú lắng nghe, trong lúc lắng nghe phải tổng hợp và phân tích nhanh những thông tin mình đang được tiếp nhận, đối chiếu những thông tin của cử tri với tính hình thực tế mà mình đã nắm bắt được để xác định tính khách quan, trung thực của nguồn thông tin, lắng nghe sẽ giúp chúng ta thấu hiểu vấn đề một cách sâu sắc, thấu đáo. Đây là yếu tố quan trọng để người đại biểu định hướng được cho mình phương án chia sẻ với cử tri.
“Chia sẻ” là bày tỏ sự cảm thông của đại biểu dân cử với những bức xúc, những khó khăn, vướng mắc của cử tri. Sau khi lắng nghe và thấu hiểu những nội dung cử tri đưa ra, người đại biểu phải biết chia sẻ với cử tri, nếu nghe xong thông tin mà đại biểu chỉ biết tiếp thu để nghiên cứu xem xét trả lời sau thì cử tri sẽ rất thất vọng. Muốn chia sẻ được với cử tri một cách thấu đáo, thì người đại biểu dân cử phải có được những kiến thức nhất định về vấn đề mà cử tri quan tâm, đây là việc rất khó, vì mỗi đại biểu cũng chỉ am hiểu được một số lĩnh vực nhất định. Chính vì vậy, lúc này cần có được sự trợ giúp về thông tin của các cơ quan liên quan, khi nghe xong vấn đề mà mình vẫn chưa thực sự hiểu rõ thì người đại biểu sẽ tìm kiếm sự trợ giúp bằng cách liên lạc với các cơ quan có liên quan để có câu trả lời một cách chính xác nhất, trong trường hợp đã có trợ giúp mà vấn đề vẫn chưa được làm rõ thì người đại biểu vẫn phải chia sẻ với cử tri về thông tin đó và sẽ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản sau. Ngoài việc nắm bắt thông tin từ cơ sở và các cơ quan liên quan thì trước mỗi đợt tiếp xúc, cử tri hoặc tiếp công dân, người đại biểu phải tìm hiểu kỹ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đây là một kênh thông tin quan trọng để đại biểu chia sẻ với cử tri, vì tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, nếu cập nhật được các thông tin này người đại biểu sẽ dễ dàng chia sẻ với cử tri.
Người đại biểu dân cử muốn thành công trong hoạt động của mình ngoài những kiến thức, kỹ năng cơ bản thì cần phải trang bị cho mình kỹ năng “Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ” để tự hoàn thiện mình xứng đáng là người đại biểu của dân./.