Các đại biểu tham quan gian giới thiệu sản phẩm KHCN của tỉnh.
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương, Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.
Nhìn lại 10 năm qua, mặc dù là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn; hạ tầng khoa học và công nghệ, thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển mạnh; ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa nhiều nhưng hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi lễ.
Toàn tỉnh triển khai thực hiện 172 đề tài /dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp bộ, tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới; đồng thời tổng kết, đánh giá thực tiễn nhằm cung cấp thông tin, luận cứ khoa học cho các cấp uỷ, chính quyền hoạch định, xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh, khai thác các tiềm năng thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch.
Tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 về cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, hỗ trợ 18 doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Hỗ trợ 19 doanh nghiệp chủ trì thực hiện 19 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí ngân sách Nhà nước trên 55 tỷ đồng. Các dự án triển khai đã tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất cùng phát triển trong mối liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực như: quản lý công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, sáng kiến, tiêu chuẩn đo lường chất lượng được ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Đến nay, 36/36 (100%) cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương đã thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; 138/138 (100%) đơn vị hành chính cấp xã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001. Công tác thực thi và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm đẩy mạnh phát triển. Hiện nay, tỉnh có 292 sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó có trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và có 04 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, Rượu ngô men lá Na Hang và Bưởi Soi Hà Yên Sơn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Kỷ niệm chương.
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị được chú trọng đẩy mạnh với nhiều công trình, giải pháp có chất lượng. Đã có trên 500 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, sở, ngành thuộc tỉnh và các địa phương trong tỉnh có sáng kiến là những giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,... được UBND tỉnh quyết định công nhận sáng kiến có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng ở cấp tỉnh. Hoạt động sáng tạo khoa học, kỹ thuật được phát huy đẩy mạnh thành phong trào, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên của các trường đại học, dạy nghề và các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, trong đó Dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polymer siêu hấp thụ dựa trên tinh bột sắn và ứng dụng chế tạo chế phẩm hydrogel chống cháy” của các em Lê Thảo Uyên, Nguyễn Lê Việt Hoàng, học sinh trường THPT Chuyên đã đạt giải Nhất quốc gia và được lựa chọn đi thi quốc tế tại Hoa Kỳ tháng 5/2023. Tỉnh đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có trên 17.000 cán bộ, công chức viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (trong đó thạc sĩ có trên 1.600 người; Bác sĩ chuyên khoa I, II và tiến sĩ trên 300 người). Thông qua việc thực hiện đề tài, dự án đã thu hút được trên 1.500 lượt trí thức khoa học trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia thực hiện. Một số cá nhân đã chủ trì thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh; là tác giả của các giải pháp, sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý trong các lĩnh vực; mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc thù của tỉnh; tạo ra sản phẩm mới, cải tiến hệ thống máy móc thiết bị để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người dân,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó năm 2023 - năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang tổ chức xét tặng danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”, đã có 15 cá nhân có những cống hiến, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được xét chọn, vinh danh “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang" và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của tỉnh Tuyên Quang trong việc đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng chí tin tưởng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm cao, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang sẽ không ngừng phát triển, đóng góp thiết thực hơn nữa cùng cả nước đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích, đóng góp của ngành khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua. Đồng chí cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian qua đã quan tâm ủng hộ, giúp đỡ tỉnh Tuyên Quang; chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học và công nghệ tỉnh Tuyên Quang có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành quả đáng khích lệ như ngày hôm nay.
Đồng thời đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế và 7 nhóm giải pháp mà ngành khoa học và công nghệ của tỉnh phải tập trung khắc phục, triển khai trong thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (nội dung tích hợp thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ); Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng trong sản xuất hàng hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số và đổi mới sáng tạo; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; quan tâm, tạo môi trường dân chủ, công khai, thuận lợi để đội ngũ trí thức khoa học phát huy năng lực sáng tạo, tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Nhân dịp này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ cho 14 cá nhân đã có đóng góp đối với sự phát triển khoa học và công nghệ; tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 9 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác quản lý và triển khai hoạt động khoa học và công nghệ tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, biểu trưng “Trí thức khoa học học và công nghệ tiêu biểu” cho 15 cá nhân; tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 7 cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ.