Khảo sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động công chứng

Sáng 17-5, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang về kết quả thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn. Các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan đã phối hợp với Sở Tư pháp trong việc cung cấp các thông tin để xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh. Kết quả triển khai thi hành Luật Công chứng đã đảm bảo yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng đảm bảo đúng quy định. Từ năm 2020 đến hết năm 2022, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng trên 49 nghìn hợp đồng, giao dịch; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trên 280 nghìn 700 việc.


Các đại biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương nhấn mạnh: UBND tỉnh đã kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn. Trong đó, đã ban hành Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đăng ký thành lập văn phòng công chứng thực hiện đúng quy định, bảo đảm sự phát triển.

Tuy nhiên, do tỉnh miền núi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhu cầu công chứng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân còn ít, ảnh hưởng đến sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trên địa bàn tỉnh. Sự thành lập mới đơn vị hành nghề công chứng trực thuộc Sở Tư pháp ở các huyện còn khó khăn do hạn chế về nguồn công chứng viên, làm gia tăng biên chế viên chức, nguồn thu, kinh phí chi thường xuyên còn khó khăn. Đồng chí đề nghị Đoàn công tác của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn hiện nay.


Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng: Kết quả của cuộc khảo sát là thông tin quan trọng phục vụ phiên giải trình “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, dự kiến sẽ được tổ chức sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua đó, kiến nghị biện pháp để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về hoạt động công chứng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp trong các hợp đồng, giao dịch, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục