Khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiêp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang các Hợp tác xã đã từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã hiện hành. Với 169 HTX (số liệu thống kê đến ngày 31/12/2015) hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản cùng với trên 19.840 thành viên tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: Cung ứng vật tư, phân bón, tín dụng nội bộ, giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ nông sản cũng đã từng bước đổi mới, tổ chức liên kết, đa dạng ngành nghề. Tuy nhiên, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quy mô còn nhỏ, trình độ quản trị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, chủ yếu làm dịch vụ đầu vào, có rất ít HTX tổ chức dịch vụ đầu ra (chế biến, tiêu thụ). Mặt khác, một số HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi cao và gắn với thị trường; tiềm năng đất đai và lao động chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, thiếu năng động, nhạy bén trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, chưa tham gia được nhiều vào dịch vụ tiêu thụ nông sản trong những vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung.

Để tạo điều kiện cho các HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản tổ chức được các hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra: “tập trung củng cố nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân với HTX trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bổ sung cơ chế chính sách tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX”.

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII (diễn ra từ ngày 11 đến 13/7/2016) đã thông qua 08 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 05/2016/ NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; đây là nghị quyết mà các HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được đăng ký và hoạt động theo đúng Luật HTX hiện hành, đầu tư sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ được hưởng lợi về chính sách: Hỗ trợ lãi suất vốn vay để thực hiện dự án đầu tư sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị “sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm”; đầu tư máy, thiết bị, dây chuyền sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản sau thu hoạch và dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ kinh phí xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn; kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, HTX thành lập mới còn được hỗ trợ 40 triệu đồng/HTX để mua trang thiết bị văn phòng.

Với cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể của Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh được tổ chức thực hiện tốt sẽ khuyến khích các HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh mở rộng, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh và dịch vụ, chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, xây dựng nhiều nhãn hiệu sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đưa sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng trên mọi miền của đất nước, góp phần tạo động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra./.

Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục