Thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của BTV Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cả hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền, vận động trẻ nhà trẻ đi học; tập trung đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu, bố trí giáo viên cho các nhóm trẻ. Cuối năm học tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 23,1%, tăng 1,8 % (783 trẻ) so với đầu năm học. Tỉnh duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Một số hoạt động giáo dục mầm non tỉnh Tuyên Quang. Ảnh Vũ Văn Dũng |
Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non được nâng lên, 100% số trẻ đến lớp được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 93% (tăng 4,5% so với năm học trước) trong đó trẻ 5 tuổi ăn bán trú đạt 99,6%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 5,1%, thể nhẹ cân chiếm 4,0%, trẻ thừa cân, béo phì 0,7%. 100% cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ; đã có 3.165 trẻ tại 14 trường mầm non được làm quen với tiếng Anh. Việc kiểm định chất lượng giáo dục mầm non và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện, đến hết năm 2018 có 99,1% trường mầm non hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 80/150 trường mầm non được đánh giá ngoài đạt 53,7%; toàn tỉnh có 47/150 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, bằng 31,3% tổng số trường, tăng 08 trường so với năm học trước, đạt 82,5% chỉ tiêu Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh (đến năm 2020 đạt 57/150 trường).
Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bậc học mầm non được quan tâm huy động từ các nguồn lực để đầu tư, bổ sung. Toàn tỉnh có 2.125 phòng học mầm non, trong đó kiên cố 720 phòng, bán kiên cố 1.214 phòng, phòng học tạm 191 phòng; 100% trường có công trình vệ sinh và nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh môi trường; về cơ bản các nhóm, lớp đều có đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học.
Toàn tỉnh có 4.614 người làm việc tại các cơ sở mầm non công lập (367 cán bộ quản lý, 4031 giáo viên, 216 nhân viên). 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên, trong đó trên chuẩn là 65,8%; 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn là 48,9%. Các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc việc công khai theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có cán bộ quản lý, giáo viên mầm non vi phạm đạo đức nhà giáo.
Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện mở trường, lớp, nhóm trẻ tư thục. Tại kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập bao gồm hỗ trợ kinh phí xây dựng các phòng xây mới (gồm phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng đa chức năng), mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi và một phần kinh phí trả lương cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây sẽ là đòn bẩy để phát triển hệ thống mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non còn có những hạn chế, đó là: Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ của tỉnh thấp hơn so với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; tỷ lệ trẻ ngoài công lập rất thấp, chỉ đạt 4,8% tổng số trẻ đi nhà trẻ. Tỉ lệ giáo viên/nhóm, lớp thấp hơn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đạt 1,7 giáo viên/nhóm trẻ, 1,8 giáo viên/lớp mẫu giáo). Một số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non chưa chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, trong việc triển khai phương pháp giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ hiệu quả chưa cao. Trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi dạy học tối thiểu tại các nhóm, lớp dưới 5 tuổi còn thiếu so với quy định. Toàn tỉnh có 78 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo phải học nhờ, mượn cơ sở vật chất; chỉ có 13 phòng giáo dục thể chất, 29 phòng giáo dục nghệ thuật, âm nhạc/150 trường mầm non.
Năm học 2019 - 2020 tỉnh xác định tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của BTV Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. UBND tỉnh sẽ có các kế hoạch, đề án thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018, Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019, Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục mầm non. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05/2019/NQ- HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Kịp thời tuyển dụng, bố trí đủ số giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao cho các nhà trường.Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo dục mầm non đảm bảo an toàn, thân thiện với trẻ. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành và các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non. Đồng thời tỉnh cần tiếp tục đề nghị Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho tỉnh, đảm bảo điều kiện thực hiện đối với giáo dục mầm non, nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể lực của người dân Tuyên Quang; có chính sách hỗ trợ ăn trưa và miễn, giảm học phí cho trẻ nhà trẻ thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo; ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi cho các tỉnh miền núi chưa tự chủ được ngân sách.