Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học được đẩy mạnh, từng bước trở thành phong trào thi đua trong các thôn bản, tổ nhân dân, xã, phường, thị trấn, là nét văn hóa lành mạnh trong các cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh hiện có 11.588 gia đình hiếu học, 157 dòng họ hiếu học, 730 cộng đồng khuyến học. Điển hình như huyện Hàm Yên có 966 gia đình và 54 dòng họ hiếu học, 314 cộng đồng khuyến học; huyện Sơn Dương có 1.832 gia đình và 69 dòng họ hiếu học, 197 cộng đồng khuyến học…Các dòng họ hiếu học điển hình xuất sắc là dòng họ Nguyễn ở bản Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang; dòng họ Hà Đức ở thôn Đồng Cọ, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa... Cộng đồng khuyến học xuất sắc tiêu biểu là Chi hội khuyến học tổ 22, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang. Cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học, đơn vị khuyến học đã và đang làm cho giáo dục nhà trường gắn kết hơn với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, tạo sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư và góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt - học tốt trong các nhà trường, củng cố thành quả phổ cập giáo dục các bậc học.
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Khuyến học tỉnh đó là hoạt động cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học các cấp đã trao 6.148 suất học bổng cho học sinh với số tiền trên 1.943 triệu đồng. Hội Khuyến học tỉnh cùng Sở GD&ĐT ký kế hoạch liên ngành với chi nhánh Viettel Tuyên Quang thực hiện chương trình học bổng “Vì em hiếu học” tại 61 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh trong 10 năm (2014-2024), mỗi năm cấp 610 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, đến nay đã cấp 1.830 suất với số tiền là 1.830 triệu đồng. Việc cấp học bổng của Hội Khuyến học các cấp, các tổ chức xã hội đã góp phần thực hiện “Ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các em vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện. Từ năm 2008 đến nay Hội Khuyến học tỉnh duy trì tổ chức Lễ tuyên dương học sinh vượt khó tiêu biểu và trao học bổng “Tân Trào tiếp sức đến trường” vào dịp tháng 9 khuyến học, kết quả đã trao học bổng cho 451 học sinh với số tiền 902 triệu đồng, góp phần tiếp sức, hỗ trợ một phần kinh phí nhập học, động viên các em yên tâm vững bước vào giảng đường các trường đại học, học viện.
Để duy trì hoạt động KHKT, Hội Khuyến học các cấp đã tích cực vận động, xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, đồng thời quản lý, sử dụng quỹ đúng quy chế, đảm bảo công khai, minh bạch, chi đúng mục đích, đúng đối tượng. Tại thời điểm 31/8/2016, Quỹ khuyến học tỉnh đạt 1.839,7 triệu đồng; quỹ khuyến học các huyện, thành phố, Hội trực thuộc đạt trên 1.388 triệu đồng; quỹ khuyến học các xã, phường, thị trấn đạt trên 4.061 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên khuyến học các cấp đã có nhiều cố gắng tham gia thực hiện công tác GD-ĐT tại địa phương. Hội Khuyến học các cơ sở đã tích cực vận động nhân dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường học; vận động trẻ đi học đúng độ tuổi, chống bỏ học, tham gia quản lý học sinh ngoài nhà trường. Tích cực hưởng ứng và tham gia chương trình PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, quỹ khuyến học tỉnh ủng hộ các huyện, thành phố 140 triệu đồng, Hội Cựu giáo chức tỉnh ủng hộ 158 triệu đồng, 151.200 công sửa chữa lớp học; 100% hội viên khuyến học tham gia, ủng hộ trên 8.251 triệu đồng tiền mặt; huy động 4.726 ngày công sửa chữa lớp học; đã có 45 hộ gia đình hiến 20.947m2 đất làm lớp học, khuôn viên trường học.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Hội Khuyến học ở một số nơi còn chưa hiệu quả. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học được phát động nhưng việc tổ chức bình xét, đánh giá hàng năm tại cơ sở chưa thành nề nếp. Một số cơ sở chưa quan tâm xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, việc phát hiện các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ của Hội Khuyến học một số cơ sở còn yếu.
Để thực hiện tốt hoạt động KHKT trong thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, tuyên truyền cho người dân hiểu được sự cần thiết phải học tập suốt đời, từ đó tự giác học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gắn mục tiêu học tập với mục tiêu phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho bản thân và cộng đồng.
Tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức Hội Khuyến học, nâng cao năng lực công tác của cán bộ Hội các cấp. Phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong việc tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập; liên kết các tổ chức, lực lượng xã hội làm công tác khuyến học. Hội Khuyến học cần tham gia củng cố các Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phối hợp với các tổ chức xã hội vận động con em tham gia Đề án đào tạo nghề nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT- XH của tỉnh. Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ Hội các cấp từ tỉnh đến Chi hội, Ban khuyến học.
Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Phát triển đa dạng các hình thức quỹ khuyến học tạo nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, phần thưởng cho các em có thành tích xuất sắc, hỗ trợ những thanh niên nghèo có thêm điều kiện để học nghề.
Tổ chức biểu dương những điển hình trong phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và các xã, phường, thị trấn học tập trên địa bàn tỉnh.
Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, với tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội đã đề ra, tin tưởng rằng công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành một xã hội học tập, phát triển bền vững./.