Hội thảo: “Thúc đẩy vai trò tham gia của cộng đồng DTTS&MN trong bảo vệ môi trường - Định hướng và cơ chế, chính sách trong Luật Bảo vệ môi trường”

Ngày 25/9/2020, tại thành phố Hải Phòng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy vai trò tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi trong bảo vệ môi trường - Định hướng và cơ chế, chính sách trong Luật Bảo vệ môi trường”.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có lãnh đạo và các Ủy viên của Hội đồng Dân tộc; lãnh đạo  Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng cục môi trường; Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lào Cai, Lai Châu; Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang; Trường Đại học Thái Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quan tâm đến lĩnh vực môi trường và các cơ quan truyền thông, báo chí…

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được xây dựng với mục tiêu cải cách thể chế môi trường tiệm cận, hài hòa với chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đã được Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 và sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu tập trung đánh giá quá trình tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường hiện nay, qua đó làm rõ những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời tham gia ý kiến về những điểm mới mang tính đột phá của dự thảo Luật, trọng tâm là các lĩnh vực: đánh giá tác động môi trường; thẩm định báo cáo, cấp giấy phép môi trường; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng; danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến bảo vệ môi trường; tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước giữa dự thảo Luật Bảo vệ môi trường với hệ thống pháp luật hiện nay, đặc biệt là mối tương quan của từng chính sách trong dự thảo Luật với các luật chuyên ngành khác…


Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tham luận

Hội thảo đã được nghe tham luận về các vấn đề như: Lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với vùng dân tộc thiểu số vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Đảm bảo an toàn môi trường -xã hội, phát triển bền vững cho cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Bảo vệ môi trường đất, nước mặt, nước ngầm trong các quy định của liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam; Bồi thường thiệt hại về môi trường, trách nhiệm của tổ chức, cộng đồng dân cư cần bổ sung, thể hiện trong dự thảo Luật; Quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép, tham vấn cộng đồng khi đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Quy định về bảo vệ môi trường nước, nước xuyên biên giới trong Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam; Tăng cường tiếp cận thông tin môi trường nói chung và đối với cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng trong Luật Bảo vệ môi trường…


Đồng chí Âu Thế Thái, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu thảo luận

Đã có 20 lượt đại biểu tham gia thảo luận, làm rõ thêm về các nội dung: Bảo đảm tương xứng quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; các quy định xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường đất, nước trong thực tiễn; quy định về phân loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn; cơ chế cụ thể khuyến khích chính sách ưu đãi về huy động nguồn lực, những khó khăn trong quy trình thủ tục hành chính phê duyệt tiếp nhận viện trợ đối với các tổ chức xã hội phi lợi nhuận (NPO) về bảo vệ môi trường; quy định về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở; các chính sách, giải pháp bảo tồn, phát huy nội lực cộng đồng người dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ môi trường; việc ban hành các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, phát triển làng nghề; chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi các dự án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường…Tham gia thảo luận, các đại biểu đại diện Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã trao đổi, chia sẻ về việc tham vấn ý kiến của cộng đồng trong quá trình xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường; về vấn đề cần phải có chế tài quy định rõ cơ chế hưởng lợi đối với tập thể, cá nhân có đóng góp làm giàu cho môi trường (ví dụ đối với những tỉnh có độ che phủ rừng cao…).

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự và khẳng định những ý kiến đó sẽ góp phần giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 nhằm hướng đến một bộ luật đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật để thực hiện mục tiêu kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Ngọc Trâm

Tin cùng chuyên mục