Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo. |
Các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các vụ, viện, khoa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị Khu vực I; đại diện một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể tỉnh.
Xuất phát từ thực trạng, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách giảm nghèo đa dạng tác động đến nhiều mặt trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng các chính sách dường như vẫn còn những hạn chế nhất định, hướng tới trợ cấp nhiều hơn là sự hỗ trợ tạo sinh kế bền vững để đồng bào tự vươn lên. Vì vậy, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều hộ gia đình mới thoát nghèo chỉ gặp biến cố trong cuộc sống lại tiếp tục tái nghèo. Với mục đích của Hội thảo là nghiên cứu, đánh giá cơ hội, thách thức phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Đông Bắc trong bối cảnh hiện nay; đưa ra những giải pháp, khuyến nghị chính sách để phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và các tỉnh Đông Bắc nói riêng; từ đó từng bước góp phần xây dựng các nội dung đào tạo của Học viện cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn cho các nhóm đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã đưa ra những luận cứ khoa học cũng như nghiên cứu thực tế về đời sống, nhận thức, tập tục cũng như văn hóa riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số, đó là những yếu tố cơ bản tác động trực tiếp đến việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó làm rõ hơn lý luận cơ bản về sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và sự vận dụng vào việc hoạch định chủ trương, đường lối phát triển sinh kế bền vững; những tác động của bối cảnh mới đối với sự phát triển sinh kế bền vững; xác định vị trí, vai trò, lợi thế so sánh, đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức, định hướng về phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Đông Bắc; vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội đối với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Đông Bắc.
Nhóm nội dung mà nhiều nhà khoa học đề cập tới nhiều đó là việc tạo sinh kế cho dân tộc thiểu số phải giảm hỗ trợ trực tiếp, chủ yếu phải làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, để đồng bào thực sự là chủ thể thực hiện sinh kế chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng. Các nhà khoa học cũng đồng tình cách tiếp cận sinh kế bền vững cần phải gắn với kinh tế thị trường; kinh tế hộ gia đình gắn với nông, lâm nghiệp; du lịch phải gắn với văn hóa, phát huy tri thức bản địa với ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhất là việc tạo sinh kế tại chính nơi đồng bào sinh sống để thực sự phát triển bền vững.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giảm nghèo bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, thể hiện quan điểm, tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ cấp thiết để giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Hội thảo được tổ chức đã tạo cơ sở khoa học để xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp sinh kế bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với bảo vệ nguồn lợi. Các ý kiến của đại biểu đã đưa ra được nhiều giải pháp gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ ra nhưng chính sách chưa phù hợp, còn những “kẽ hở” trong quá trình thực thi. Đồng chí cũng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến tham luận tại hội thảo để bổ sung những giải pháp phù hợp với thực tế tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc.