Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội; dự hội nghị tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang, dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, các huyện, thành phố dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công |
Sau khi nghe phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020”, và các ý kiến thảo luận tại hội nghị và các điểm cầu trực tuyến cho thấy việc thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Giai đoạn 2009 - 2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn (năm 2019); bình quân lương thực đầu người tại Việt Nam tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới. Kết quả thực hiện các mục tiêu đến năm 2020 tại Kết luận 53-KL/TW ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về “Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, đó là: 03 chỉ tiêu về lúa gạo; 02 chỉ tiêu về rau; 02 chỉ tiêu về cây ăn quả; 03 chỉ tiêu về thủy sản; 02 chỉ tiêu về đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực. Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác, mỗi năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo. Thu nhập người trồng lúa cơ bản đảm bảo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất, có nơi đạt cao hơn nhiều; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng 4,3 lần, hiện có 7 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Về thực hiện các mục tiêu chủ yếu, còn một số chỉ tiêu chưa đạt hoặc khó đạt, đó là: Chỉ tiêu về sản xuất ngô, chỉ tiêu về chăn nuôi, chỉ tiêu về đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương không ổn định, nhiều nơi chuyển đổi đất lúa nhưng ưu tiên cho mục đích phi nông nghiệp; việc chậm thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất đang đang là “nút thắt” lớn cho sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, quy mô lớn; phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến; các chính sách chưa đủ mạnh để các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm; đào tạo nguồn nhân lực lao động nông nghiệp tuy dồi dào, nhưng chất lượng còn thấp, nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động trẻ không cao; chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo bộc lộ một số bất cập; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân chưa đủ mạnh, nên họ có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”, mặc dù đã ngừng canh tác hoặc cho thuê ruộng ngắn hạn phi chính thức; hệ thống lưu thông, xuất khẩu lương thực người sản xuất vẫn có tâm lý chạy theo số lượng, sử dụng nhiều vật tư đầu vào; dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cao, chất lượng, thương hiệu hạn chế, áp lực tiêu thụ lúa gạo với giá có lợi cho nông dân đã làm tăng mức độ rủi ro thị trường; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, quy mô lớn. Ngoài ra, còn một số hạn chế về dinh dưỡng, an ninh lương thực chưa chấm dứt được tình trạng thiếu đói lương thực đến cấp hộ; về cân đối dinh dưỡng, sức khỏe, tuổi thọ của người dân và nhu cầu về dinh dưỡng bất hợp lý; an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nổi cộm; việc quản lý, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và ý thức chăn nuôi ở nhiều nơi, nhiều nhà sản xuất chưa đúng quy định về an toàn thực phẩm.
Hội nghị cũng đã chỉ ra các nguyên nhân, trong đó xác định nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, đó là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân chưa thực sự đầy đủ, thiếu chủ động, sáng tạo; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chưa kịp thời đổi mới theo cơ chế thị trường; việc hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn chưa kịp thời, hiệu quả phối hợp trong chỉ đạo thực hiện chưa cao; sản xuất lương thực thực phẩm tiềm ẩn rủi ro, nhưng các biện pháp, công cụ phòng ngừa còn hạn chế; nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách về đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nguồn lực hỗ trợ cho ngành còn hạn chế.
Phát biểu kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025 của Việt Nam là “không còn nạn đói”, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam. Việc đảm bảo an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế, mà còn là đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, không chỉ các nhà khoa học, bộ ngành mà lãnh đạo các địa phương có diện tích nông nghiệp lớn cũng cần tập trung tìm kiếm các giải pháp mới, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, khả năng thích ứng với biển đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; xác định giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh mới cần phải gắn với an ninh dinh dưỡng; phát huy sức mạnh tổng hợp, sáng tạo của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; tranh thủ và tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị ban hành văn bản về “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2030”, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về an ninh lương thực thay thế Nghị quyết số 63/NQ-CP để thực hiện.