Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. |
Qua 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến ngày 31-12-2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên. Trong 6 năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc. Công tác hòa giải ở cơ sở đã tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân nhân văn, ít tốn kém và hiệu quả bền vững. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện tại Tuyên Quang có 1.743 tổ hòa giải/1.739 thôn, tổ dân phố với 10.722 hòa giải viên. Trong 6 năm, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết 27.893 vụ, việc hòa giải, hòa giải thành 24.259 vụ, việc, đạt 87%...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về vai trò nòng cốt của MTTQ trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án; xem phóng sự “Hòa giải thành cần dân vận khéo”. Các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận để làm rõ các ưu điểm, hạn chế qua 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả luật trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, Ban Dân Vận, MTTQ, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng thực hành tốt kỹ năng “Dân vận khéo” trong hoạt động hòa giải, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hòa giải, qua đó thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Ngành Tư pháp tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, bảo đảm có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa, biết tận dụng các kỹ năng hòa giải, kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải các vụ việc cụ thể; tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò và ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở, giúp người dân thấy rõ được tính ưu việt và lợi ích mà hòa giải ở cơ sở mang lại, hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết các mẫu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại cộng đồng dân cư.