Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Chẩu Văn Lâm chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Công.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện Hàm Yên, Yên Sơn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Dự thảo đề án phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Hàm Yên, Yên Sơn; bổ sung 5 dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ di dân, tái định cư Dự án Thuỷ điện Tuyên Quang; Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023-2025; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan về công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng; đề nghị xem xét, kiểm điểm đối với cấp ủy viên cùng cấp, Đề án “Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025”, công tác tổ chức cán bộ.
Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Hàm Yên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Công.
Về Đề án phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Hàm Yên, Yên Sơn, các đại biểu đã cho ý kiến vào đề án như: Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội cần cụ thể hơn (về dân trí, tảo hôn, học sinh bỏ học…) và xác định việc dạy nghề, đào tạo nghề, bồi dưỡng cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn bản; rà soát về mục tiêu, cơ cấu vốn cho phù hợp; xác định cụ thể những khó khăn của từng nơi, từng vùng; đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng địa phương…
Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển nên cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng và Nhà nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Đề án tập trung thực hiện tại các thôn, các địa phương khó khăn nhất của tỉnh. Vì vậy, đề án cần có những giải pháp cụ thể và hiệu quả để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, giải quyết những khó khăn về sản xuất và đời sống, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị rà soát lại các mục tiêu và cơ cấu nguồn vốn sao cho phù hợp. Khi tổ chức thực hiện ưu tiên quy hoạch khu dân cư, đảm bảo quỹ đất sản xuất, tập trung xây dựng hạ tầng để người dân ổn định đời sống.
Đối với việc bổ sung 5 dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ di dân, tái định cư Dự án Thuỷ điện Tuyên Quang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý về nguyên tắc bổ sung danh mục 5 dự án này và cho rằng 5 dự án này là cần thiết. Vì vậy cần xem xét cân đối sử dụng nguồn vốn dự phòng của đề án.
Về Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, giai đoạn 2023-2025, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng, quan điểm, mục tiêu của Lễ hội, từ đó xây dựng đổi mới về quy mô, hướng tới nâng tầm Lễ hội mang tầm quốc tế. Một số nội dung chính như tên gọi, nội dung, không gian, thời gian tổ chức Lễ hội; xác định rõ hơn về mục tiêu, giải pháp mà đề án đề ra... Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa; làm rõ thêm căn cứ, xác định các nhiệm vụ giải pháp để xây dựng quy mô tổ chức Lễ hội từng cấp theo phương châm đồng ý mở rộng thời gian, không gian, hình thức tổ chức cấp khu vực và cấp quốc gia. Đồng thời tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân làm dịch vụ homestay, kinh doanh dịch vụ đảm bảo sạch đẹp, văn minh lịch sự và cần có những hình thức khen thưởng, tuyên dương đối với các doanh nghiệp, cá nhân làm tốt các dịch vụ…
Đối với những nội dung khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí và đề nghị tổ chức thực hiện theo đúng quy định.