Giao việc đột phá - Cách làm hiệu quả ở Tuyên Quang

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 20/5/2020, Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Quy định số 30-NQ/TU về giao việc đột phá, việc đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Thành phố Tuyên Quang đã đạt tiêu chí đô thị loại II.

Cách làm này đã mang lại nhiều  kết quả tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra; giải quyết được những việc phức tạp tồn tại nhiều năm,...

Ngay sau khi ban hành, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các cơ quan, đơn vị triển khai Quy định số 30-QÐ/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh cũng đã ban hành văn bản và thực hiện giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ theo thẩm quyền, phân cấp quản lý cán bộ.

Triển khai thực hiện, có 22 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được giao 52 việc trong năm 2020 và giai đoạn 2020-2025. Tại thời điểm giao việc có 5 đồng chí là bí thư huyện ủy, thành ủy; 4 đồng chí là chủ tịch UBND huyện, 13 đồng chí là giám đốc sở, ngành. Những việc được giao đều do các cá nhân lựa chọn đăng ký từ thực tiễn địa bàn, tập trung vào những việc có tính đột phá, việc mới, việc khó, việc tồn tại, cấp bách,... Các đồng chí được giao việc đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có cán bộ được giao việc cũng đã coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm chung; thống nhất mục tiêu, xác định nhiệm vụ cụ thể, đưa ra những giải pháp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức và cá nhân.

Ðến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh có 565 cán bộ được các tổ chức, cơ quan, đơn vị giao việc đột phá, đổi mới theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ. Tổng số việc đã được giao cho cán bộ là 731 việc; trong đó giao theo năm có 663 việc, theo giai đoạn 2021-2025 có 68 việc. Một số việc được cán bộ thực hiện có hiệu quả như: Chấm dứt hoạt động và tháo dỡ toàn bộ 98 lò sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện Hàm Yên; giải phóng mặt bằng thi công các dự án ở huyện Na Hang, Yên Sơn; lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II; xây dựng trung tâm huyện Lâm Bình đạt tiêu chí đô thị loại V và một số dự án, công trình trọng điểm khác,...


Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang.

Ðồng chí Phạm Ninh Thái, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao ba việc đột phá là: Tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng để phát triển Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Công viên nghĩa trang Thiên Ðường ở xã Lăng Quán và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng dự án mở rộng khu xử lý rác và giải quyết các vấn đề liên quan đến công trình bãi chứa rác và xử lý rác thải tại xã Nhữ Khê. Ðây là những việc khó đã được triển khai từ lâu nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi những vướng mắc về đất đai và đền bù.

Từ tháng 6/2020, đồng chí Phạm Ninh Thái được bầu làm Bí thư Huyện ủy Yên Sơn và tiếp tục nhận thêm hai việc đột phá được bàn giao lại từ người tiền nhiệm. Ðồng chí Phạm Ninh Thái chia sẻ, bám sát cơ sở, trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của người dân, phát hiện và xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh ở cơ sở để đề xuất với cấp ủy tỉnh, huyện các biện pháp giải quyết là kinh nghiệm đồng chí rút ra được từ quá trình thực hiện các nhiệm vụ đột phá được giao. Kết quả, trong năm việc được giao có hai việc hoàn thành, một việc chuyển đơn vị khác (vì điều chuyển địa giới hành chính của huyện), hai việc (được giao theo giai đoạn) đang tiếp tục làm.

Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Ðinh Công Thơ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang “đặt hàng” nhiệm vụ xóa bỏ lò gạch thủ công tại xã Thái Sơn, vốn tồn tại nhiều năm dù đã được tỉnh chỉ đạo nhiều lần. Ðịa bàn xã Thái Sơn có 92 lò gạch thủ công hoạt động từ lâu gây ô nhiễm môi trường, cũng là xã tập trung nhiều lò gạch thủ công nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mà theo lộ trình của tỉnh thì trong năm 2017 phải chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, cả chính quyền huyện và xã đều lúng túng và không có biện pháp giải quyết dứt điểm. Ðể thực hiện “đơn đặt hàng” này, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên đã nhiều lần trực tiếp gặp từng chủ lò gạch và lắng nghe nguyện vọng của người dân. Mấu chốt vướng mắc nhiều năm nay được tháo gỡ, đó là chuyển đổi nghề nghiệp bảo đảm cuộc sống cho người dân làm gạch sau khi dừng sản xuất. Chủ tịch UBND huyện đã đề xuất và được Thường trực Huyện ủy Hàm Yên thống nhất chủ trương hỗ trợ mỗi hộ tháo dỡ lò gạch 5 triệu đồng/lò; những người trong độ tuổi lao động được giới thiệu làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp...

Do vậy, chỉ sau ba tháng, khu công trường làm gạch tồn tại mấy chục năm nay đã được tháo dỡ, đồng thời san lấp, hoàn thổ đất, chuyển mục đích sử dụng sang trồng các loại cây ăn quả, cây nông nghiệp.

Nhìn lại việc triển khai Quy định số 30-NQ/TU của Tỉnh ủy Tuyên Quang nhận thấy, cán bộ diện được giao việc đột phá, đổi mới đã chủ động đăng ký việc, tích cực, quyết liệt và có quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện việc được giao; một số đồng chí có cách làm sáng tạo, giải quyết vấn đề phù hợp với thực tiễn và đã đạt được kết quả bước đầu với những “sản phẩm” cụ thể, tạo hiệu ứng tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các đồng chí thuộc đối tượng phải đăng ký việc đột phá, đổi mới đã lựa chọn nội dung công việc cơ bản sát với tình hình thực tiễn. Bản đăng ký của cá nhân cơ bản đã xác định được mục tiêu, chỉ tiêu và lộ trình thực hiện. Nội dung đăng ký việc đột phá, đổi mới cơ bản phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ đang đảm nhiệm.

Nhiều đồng chí đã xây dựng được kế hoạch, mục tiêu, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, chấp hành tốt chế độ báo cáo định kỳ; tích cực, chủ động đề xuất các giải pháp. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu đã chú trọng, thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Ðồng thời, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ từng bước được nâng lên.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã chủ động cụ thể hóa Quy định số 30-QÐ/TU và giao việc cho cán bộ thuộc quyền quản lý; tạo sự đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong giao việc cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị.

Ðột phá, đổi mới theo Quy định số 30-QÐ/TU  đã phát huy được trí tuệ, dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của các tập thể và cá nhân. Qua thực tiễn giao việc đột phá, đổi mới đối với cán bộ cho thấy đã có những thay đổi tích cực trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đây là kết quả đạt được bước đầu cần tiếp tục phát huy, nhân rộng. “Giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ” là chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng, đó là tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đồng thời qua đó tạo môi trường, điều kiện cho đội ngũ cán bộ khẳng định được bản lĩnh, phẩm chất và năng lực thực sự của mình trong công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị; phát huy được trí tuệ, tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang tiếp tục giao việc đột phá, đổi mới cho 64 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý với tổng số 221 việc; trong đó, năm 2021: 39 việc, việc hằng năm: 4, giai đoạn 2021-2022: 2, giai đoạn 2021-2023: 6, giai đoạn 2021-2025: 170 việc. Những việc cá nhân đăng ký và được giao tập trung vào những nội dung sau: Công tác quản lý đất đai, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, quản lý bảo vệ rừng, môi trường, tài nguyên khoáng sản; giải quyết đơn thư; bảo đảm an ninh trật tự; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị; kết nạp đảng viên mới, khắc phục tình trạng trưởng thôn chưa phải là đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ,...

Nói về hiệu quả của việc giao việc, “đặt hàng”, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, với cách thức giao việc đột phá, đổi mới cho từng cá nhân chủ trì, trực tiếp phụ trách, thực hiện đã tạo dấu ấn quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh. Các công việc được giao tập trung vào những việc lớn, việc khó, những điểm nghẽn để tạo sự bứt phá, thúc đẩy sự phát triển, qua đó các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện có hiệu quả, một số bất cập tồn tại, vướng mắc, khó khăn được tập trung giải quyết dứt điểm. Thông qua thực hiện giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ giúp cấp trên đánh giá đúng phẩm chất, trình độ, năng lực, khả năng lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực thi nhiệm vụ của cán bộ.

Theo nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục