Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang các khóa tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thành Công |
Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn và các đồng chí trong Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh; các đồng chí nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh các thời kỳ.
Dự gặp mặt có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị MInh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Diễn văn kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/01/1946 - 6/01/2021) do đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trình bày nhấn mạnh: Tuyên Quang tự hào là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trong đó, Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam. Sau 75 năm ra đời, trưởng thành và phát triển, với 14 khóa, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với các cử tri, luôn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Thành Công |
Cùng với sự lớn mạnh của Quốc hội Việt Nam, trong 14 khóa của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang qua các cuộc bầu cử có 76 lượt đại biểu được bầu, trong đó có 15 đại biểu nữ, 47 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Cơ cấu, số lượng, chất lượng đại biểu Quốc hội của tỉnh ngày càng được nâng lên từ 2 đại biểu (khóa I) đến nay là 6 đại biểu (khóa XIV). Với trọng trách được giao, 75 năm qua các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm người đại biểu của nhân dân, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân địa phương.
Báo cáo tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh, nhiệm kỳ 2016 -2021, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ, các ĐBQH đã tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân, tham gia toàn diện trong các hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giữ mỗi quan hệ công tác và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương, ở Trung ương và các hoạt động tại kỳ họp Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 80 lượt lấy ý kiến cho các dự án luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp của Quốc hội; tổ chức được 18 cuộc giám sát chuyên đề tại tỉnh, sau các cuộc giám sát có 208 ý kiến, kiến nghị với các cơ quan hữu quan liên quan đến nội dung giám sát.
Trong nhiệm kỳ, đã có 10 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, với 16 ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại 111 điểm tại cơ quan, đơn vị, xã, phường, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đã có 25.602 lượt cử tri tham gia, với 914 lượt của tri phát biểu ý kiến... Qua đó, xây dựng các kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của tỉnh.
Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng đồng chí Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy. Ảnh: Thành Công |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng những kết quả mà Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021. Đồng chí thông tin về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Đồng chí đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp và ủng hộ tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Quốc hội quan tâm giúp đỡ tỉnh một số công việc cụ thể như: Bố trí đủ vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; hỗ trợ nguồn lực tối đa để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; tiếp tục bố trí đủ kinh phí thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; hỗ trợ nguồn lực để tổ chức đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận đối với khoảng 28 nghìn ha đất do các nông lâm trường trả lại địa phương quản lý; quyết định về việc điều chỉ địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình; điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thắng Quân, Lang Quán, Tứ Quận để thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn; nâng mức hỗ trợ hộ gia đình dân tộc thiểu số nhận giao khoán bảo vệ rừng.
Tỉnh luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giám sát, phối hợp chặt chẽ của Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có thành tích xuất sắc góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 30 tập thể và 25 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đã có thành tích trong công tác tham mưu, phối hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh.