Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy, các cơ quan Nội chính tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố…
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Một số thành tựu nổi bật như: Tích cực tham gia và đóng góp quan trọng trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm. Luôn đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt hơn trọng trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Thực thi nhiệm vụ kiểm sát và đấu tranh với các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho hoạt động tư pháp tuân thủ pháp luật. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của Ngành và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu KIm Long tặng lẵng hoa chúc mừng ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh |
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Triệu Kim Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tích đã đạt được của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp trong tỉnh Tuyên Quang, đồng thời nhấn mạnh: Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành Kiểm sát nhân dân, ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang cũng đã trải qua chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển gắn liền các giai đoạn lịch sử của đất nước và của địa phương. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và với sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động, ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngành kiểm sát nhân dân kịp thời đề xuất với cấp uỷ, chính quyền và kiến nghị với các cơ quan tư pháp ở địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đặc biệt là trong 15 năm trở lại đây, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ngày càng thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương. Một số kết quả nổi bật của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đó là:
Chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp không ngừng được nâng cao, nhất là trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng về đánh bạc, ma túy, giết người, lừa đảo… Chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, không để xảy ra các trường hợp hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra, tạo cơ sở để thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội, không để xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh tế, tạm giữ, tạm giam, thi hành án và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp được chú trọng, chất lượng ngày một nâng lên. Công tác xây dựng ngành có nhiều chuyển biến tích cực; thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức. Đến nay, đã thực hiện rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên được quan tâm, nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngày càng nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới.
Với những kết quả đạt được qua 60 năm xây dựng và phát triển của ngành kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tỉnh Tuyên Quang đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều tập thể, cá nhân cũng được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Trong những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về an ninh trật tự, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các tranh chấp dân sự phát sinh ngày càng nhiều, quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ và yêu cầu khắt khe hơn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Do đó, trước yêu cầu thực tiễn đòi hỏi nhiệm vụ ngành kiểm sát nhân dân ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Đồng chí Triệu Kim Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân |
Đồng chí Triệu Kim Long đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm ngành Kiểm sát nhân dân cần thực hiện trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và của Tỉnh uỷ về công tác nội chính, tư pháp. Đổi mới toàn diện các mặt công tác, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật” đảm bảo công lý phải được thực thi, tuân thủ nghiêm minh pháp luật, gắn việc thực hiện nhiệm vụ của ngành với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội của địa phương.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Làm tốt công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra, giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Ba là, tăng cường công tác thực hành quyền công tố, đảm bảo quá trình tranh tụng tại phiên toà phải chặt chẽ, chính xác, đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Chú trọng hơn nữa công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng để kiến nghị, kháng nghị khắc phục, sửa chữa.
Bốn là, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư; quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường... Xây dựng và thực hiện có hiệu quả mối quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan, bảo đảm sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân đối với hoạt động của Viện kiểm sát.
Năm là, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành vững mạnh về mọi mặt. Xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, vừa “hồng” vừa “chuyên”, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dũng cảm đấu tranh để bảo vệ công lý, lẽ phải, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát nhân dân là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Đồng chí tin tưởng rằng, với thành tích qua 60 năm xây dựng và trưởng thành của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm ngành kiểm sát nhân dân sẽ có những bước phát triển cao hơn và toàn diện hơn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng, xây dựng nền tư pháp nước ta thực sự “Trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.