Đẩy mạnh thực hiện công tác Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh

Hiện nay tỉnh Tuyên Quang có trên 22.000 người khuyết tật, chiếm khoảng 2,85% dân số toàn tỉnh, trong đó trên 11.000 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Trong những năm qua công tác người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 03/7/2013 về thực hiện Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đồng thời chỉ đạo việc lồng ghép công tác trợ giúp người khuyết tật vào các chương trình, hoạt động thuộc lĩnh vực trợ giúp xã hội khác có liên quan.


Một số hình ảnh tại hội nghị triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang (Ảnh: Thu Cúc)

Việc trợ giúp người khuyết tật tiếp cận các chính sách của nhà nước về y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm được quan tâm triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh có 02 bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng (Bệnh viện phục hồi chức năng Hương Sen và Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm), các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, khu vực đều có khoa hoặc bộ phận khám chữa bệnh phục hồi chức năng. 100% người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện tốt việc khám phân loại cho trẻ em khuyết tật hằng năm và đã hỗ trợ 949 trẻ đi phẫu thuật mắt, môi, tim, vận động với kinh phí trên 13.000 triệu đồng. Trẻ em khuyết tật được tham gia học tập tại các lớp chuyên biệt hoặc lớp học hòa nhập, phần lớn các cháu tự tin, mạnh dạn tham gia hoạt động học tập, vui chơi và hòa đồng cùng bạn bè. Trong giai đoạn 2012- 2019 toàn tỉnh có trên 300 người khuyết tật tham gia học nghề được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định, 50 người khuyết tật được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất thấp để chăn nuôi, trồng trọt, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập. Việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được quan tâm, giúp người khuyết tật bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Để trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và sử dụng các công trình công cộng, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở hạ tầng đảm bảo cho người khuyết tật dễ tiếp cận; các đơn vị vận tải có phương án miễn giảm giá vé và hỗ trợ cho người khuyết tật. Đẩy mạnh công tác trợ giúp người khuyết tật thông qua các tổ chức Hội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã vận động được tiền mặt, vật dụng trị giá trên 5 tỷ đồng, triển khai các Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tại 05 xã (Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang; Thái Hòa, huyện Hàm Yên; Kim Phú, Tiến Bộ, huyện Yên Sơn; Sơn Nam, huyện Sơn Dương); thăm hỏi, trợ giúp người khuyết tật nhân dịp ngày lễ, tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4. Sự quan tâm, các hoạt động trợ giúp trên đã phần nào giúp người khuyết tật ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hoà nhập vào đời sống xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện công tác người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế. Phần đông người khuyết tật sống trong các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ít được tiếp cận các dịch vụ xã hội phù hợp. Số người khuyết tật đặc biệt nặng có nhu cầu được vào nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngày càng cao nhưng hiện tỉnh chỉ có 01 Trung tâm Công tác xã hội, chưa có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng tại Trung tâm. Công tác tạo việc làm cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật chưa được phát huy. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Để thực hiện tốt công tác người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở cần đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số     39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật; đưa nội dung chính sách về người khuyết tật vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng, công trình công cộng phù hợp để người khuyết tật được tiếp cận, hưởng lợi; tạo cơ hội, điều kiện cho người khuyết tật bình đẳng, tự tin hòa nhập xã hội. Đồng thời cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức vì người khuyết tật. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức vì người khuyết tật, nhất là Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh trong vận động các nguồn lực để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; giúp người khuyết tật còn khả năng lao động ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần tham gia phát triển kinh tế địa phương, hòa nhập xã hội.

Thanh Lê

Tin cùng chuyên mục