Đào tạo nghề gắn với nhu cầu địa phương

Chủ động, linh hoạt lựa chọn ngành nghề, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương đã giúp công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó, các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang mở lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân xã Thượng Nông.

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động ở các xã vùng sâu, vùng xa đã được tỉnh quan tâm. Tùy theo nhu cầu, thế mạnh của mỗi địa phương, các lớp đào tạo nghề do các cơ sở đào tạo nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện tổ chức đã đáp ứng được nguyện vọng học nghề của bà con nông thôn.

Tại xã vùng cao Thượng Nông của huyện Na Hang, nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, nhưng do nhận thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi còn hạn chế, nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, những năm qua, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, thú y… cho người dân.

Anh Nông Văn Vương ở thôn Bản Gioòng, xã Thượng Nông cho biết, gia đình anh có dùng máy cày và máy tuốt lúa. Trước kia, hễ máy móc hỏng phải đem ra trung tâm huyện sửa rất mất thời gian lại ảnh hưởng đến thời vụ. Sau khi được học lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã, anh đã biết bảo dưỡng, sửa chữa máy nên rất yên tâm, lại chủ động trong sản xuất. 

Hiện nay, việc đào tạo nghề được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau nên các học viên đều dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Cùng với đó, đào tạo nghề theo nhu cầu của người học, gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương. Từ đó, tạo cơ hội cho người lao động sau khi học nghề xong có thể áp dụng ngay những kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Chẩu Văn Hiệp ở thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) chia sẻ, anh từng được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi lợn đen do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở trước đây. Nhờ những kiến thức đã được học, giúp anh tự tin phát triển chăn nuôi; thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, giúp vật nuôi phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh duy trì mô hình nuôi lợn đen từ 60 đến 80 con, thu nhập trung bình được trên 100 triệu đồng/năm.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 30.000 lao động nông thôn. Riêng năm 2017 có trên 4.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 70%. Nhiều lao động sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất, có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, hoặc có việc làm ngay tại xã.

Theo đồng chí Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, để nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề,  trong thời gian tới ngành sẽ tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về tầm quan trọng của việc học nghề. Cùng với đó, tiếp tục rà soát nhu cầu của lao động ở các địa phương, các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo…

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục